Đề xuất mô hình liên kết đổi mới sáng tạo tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ

14/12/2021 - 15:12

Chiều 13-12, Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Thực trạng và đề xuất mô hình liên kết đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ” theo hình thức trực tuyến.

Vùng Đông và Tây Nam Bộ có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận, kế thừa các mô hình liên kết ĐMST trong và ngoài nước. Trong ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Minh Hòa.

Mặc dù có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế, song vùng Đông và Tây Nam Bộ đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cả ngắn và dài hạn: dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên cạn kiệt… Vì vậy, việc định hướng doanh nghiệp, nông dân, tổ chức phát triển dựa trên ĐMST là xu thế tất yếu. Đơn cử, để các mô hình ĐMST trong doanh nghiệp hình thành và phát triển, việc tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là vô cùng quan trọng. Trong đó, Nhà nước có vai trò hỗ trợ đào tạo các kỹ năng về quản lý doanh nghiệp, tài chính, marketing; cung cấp thông tin và tổ chức các hoạt động kết nối thị trường; cập nhật xu hướng công nghệ trên thế giới và trong nước. Về phía doanh nghiệp, nắm bắt các xu hướng phát triển về công nghệ; nắm bắt những nhu cầu tiêu dùng chưa được khai thác…

Vùng Đông và Tây Nam Bộ có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận, kế thừa các mô hình liên kết ĐMST trong và ngoài nước. Để phát huy lợi thế này, vấn đề nâng cao ý thức hợp tác và liên kết giữa các bên liên quan là yêu cầu đặt ra hàng đầu. Bởi khi liên kết tốt, các bên mới cùng nhau hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và thúc đẩy ĐMST của Nhà nước mới đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả thiết thực, bền vững…

Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)