Chúng tôi đi từ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ qua Hậu Giang. Định vị theo đường sông thì kênh xáng Xà No bắt nguồn từ ngã ba Vàm Xáng, nơi sông Cần Thơ đi thẳng sẽ tới Phong Điền. Dòng nước rẽ trái là vào kênh Xà No đi tới miệt Ngàn trải dài từ huyện Châu Thành A đến huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Nhộn nhịp chợ quê
Kênh xáng Xà No do người Pháp cho đào đầu thế kỷ XX, từ Cần Thơ tới Kiên Giang. Dọc kênh, trên địa bàn 2 huyện Châu Thành A và Vị Thủy, là một loạt địa danh "Ngàn", từ Một Ngàn tới Mười Bốn Ngàn Rưỡi. Tiếp đó, kênh Xà No đi qua thủ phủ tỉnh Hậu Giang - TP Vị Thanh - rồi kéo dài tới ngã ba sông Ba Voi trước khi đổ ra sông Cái Lớn chảy ra biển Tây.
Khách trải nghiệm tàu du lịch trên kênh xáng Xà No
Những lão nông rành rọt về miệt Ngàn cho biết sau khi đào kênh Xà No, người Pháp tiếp tục đào xẻ ngang hơn 20 kênh sườn. Cứ 1.000 m thì đào một kênh lớn, xen giữa 500 m lại đào một kênh nhỏ. Hệ thống kênh này dẫn nguồn nước ngọt từ sông Hậu vào, làm màu mỡ những cánh đồng lúa ở miệt Ngàn.
Đường đến thị trấn Bảy Ngàn rất đẹp
Đi từng quãng đúng 1.000 m, chúng tôi lại dừng xe để chụp ảnh từng cây cầu 1.000, 2.000... đến 14.000 và 14.500 bắc qua những con kênh cùng tên. Đường ở miệt Ngàn đẹp không chỉ ở những cánh đồng lúa bạt ngàn mà còn bởi có nơi hai bên đường là hàng cây hoa hoàng yến vàng rực, có nơi là hai hàng phượng vĩ đỏ thắm vào mùa hè. Nhờ vẻ đẹp tự nhiên không cưỡng nổi ấy, những con đường hoa bên cạnh các cánh đồng lúa đã trở thành điểm check-in tuyệt vời của mọi người.
Chợ Một Ngàn, chợ Bảy Ngàn, chợ Mười Bốn Ngàn là những chợ nhộn nhịp ở miệt Ngàn. Những đặc sản của miền sông nước đều có trong chợ nhưng thích nhất là các hàng bánh dân gian đủ loại.
Miệt Ngàn đặc sắc như vậy mà có người nói với chúng tôi rằng "thấy chẳng có gì", "không biết giới thiệu gì", thảo nào không mấy ai biết. May là chúng tôi đã không bỏ qua miệt Ngàn như thế.
Ở các tỉnh, thành Tây Nam Bộ, ta có thể thấy chợ quê nhiều nơi. Song, chợ quê lớn nhất, họp mỗi ngày và chỉ chuyên mua bán đồ "đặc sệt" từ ruộng đồng, sông rạch, chắc chỉ có ở TP Vị Thanh. Khu chợ này rộng khoảng 700 m2, gần cầu Cái Nhúc nhỏ, không có tiểu thương mà chỉ có "người bán". Phần lớn họ là những nông dân bán rau củ quả nhà trồng hay rau mọc tự nhiên hái được; bán cá, tôm, lươn, ếch đánh bắt từ sông rạch, ruộng, mương.
Người địa phương gọi khu chợ độc đáo nhất vùng sông nước Nam Bộ này là chợ "chồm hổm". Nghe cách gọi đủ hình dung nét đặc trưng của chợ: Không có quầy sạp; hàng bán được đựng trong thúng, rổ, nia hay đổ trên tấm trải; người bán ngồi trên ghế lùn xịt hoặc ngồi chồm hổm, ngồi bệt trên tấm trải; người mua không đứng lom khom thì cũng ngồi chồm hổm mới dễ lựa đồ.
Giữ hương đồng nội
Một - hai giờ sáng, chợ "chồm hổm" đã họp, hầu hết mỗi hàng đều có bóng đèn điện để thấy rõ mà bày đồ bán. Nông dân trồng được gì mang bán nấy. Người không có đất trồng trọt thì đi cắt bông lục bình ở sông, rau trai, rau choại, rau muống mọc dại, bán mỗi ngày cũng đủ tiền mua thức ăn cho gia đình.
Những loại rau dại ở đồng, ở vườn không dễ kiếm tại các chợ quê khác thì ở chợ "chồm hổm" thường có, như: bông lục bình, rau nhút, rau sam, rau trai, rau muống tím, đọt choại, đọt nhãn lồng… Mùa nước nổi thì có bông điên điển, bông súng cơm, cá linh, chuột đồng. Trong mùa Tết, chợ còn có nhiều cải làm dưa, củ kiệu, củ hành.
Ba - bốn giờ, chợ đã đầy đủ mặt hàng, người đi mua mỗi lúc đông dần. Phần lớn các bà nội trợ đến chợ này coi có gì ngon thì mua về làm bữa cơm gia đình. Một số người đến chợ mua hàng để chở xe, chở ghe đi bán trong các xóm ấp. Hầu như người mua thích chọn ủng hộ những ai tự bán đồ nhà trồng, đồ nhà làm, cá, tôm, lươn, ếch đi bắt ra bán, có lẽ do giá rẻ hơn.
Cách rao hàng, mời chào khách của người bán ở chợ "chồm hổm" cũng dễ thương lắm. Có người dùng lời ngon ngọt gọi khách đi chợ: "Mua gì không cục vàng ơi?". Đồ nào ngon, giá rẻ thì bán mau. Vì vậy, có người khi nào nhà trồng được đồ mới ra chợ, chứ không có mặt mỗi ngày, họ mời: "Bán meo (rẻ) lắm nè chị!". Những người mang đồ đồng bắt được ra chợ dùng sự chân thật để giúp người ta hài lòng mua đúng cá, lươn, ếch đồng.
Người địa phương quen với chợ này còn thích, huống chi chúng tôi được đến một chợ quê đặc biệt với đặc trưng người mua, kẻ bán "chồm hổm" thế này thì thú vị vô cùng. Người đông nhưng ai nấy bày bán trật tự nên nhìn chợ ngay hàng thẳng lối, nhiều màu sắc khá đẹp. Tuy chỉ đến chợ trong một buổi nhưng với bao nhiêu thứ đồ đồng, đồ ruộng tươi ngon, rồi bao nhiêu thứ bánh quê, chè gánh hấp dẫn thì làm sao mà không mua cho được.
Chợ “chồm hổm” giữa TP Vị Thanh
Chợ "chồm hổm" giữa TP Vị Thanh như muốn giữ hương đồng nội cho phố thị. Các tỉnh ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc luôn đưa những chợ phiên của đồng bào miền núi cao thành một trong các điểm đặc sắc để quảng bá du lịch. Trong khi đó, Hậu Giang có được một chợ quê "độc nhất vô nhị" của vùng sông nước Nam Bộ như thế mà không làm cho nhiều khách du lịch biết đến thì thật đáng tiếc.
Dấu xưa giữ đến bây giờ
Chúng tôi đến chơi làng trầu Vị Thủy. Đón chúng tôi ngoài ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX Trầu Vàng - còn có ông Nguyễn Văn Gấm, ông Mai Văn Sàng và chị em hái trầu, xếp trầu.
Ông Gấm và ông Sàng thuyết minh quá rõ nên chúng tôi hiểu được sự phát triển của làng trầu gần trăm năm này hay quy trình trồng mới một dây trầu. Những từ ngữ trong công việc trồng trầu, hái trầu đều mới lạ với chúng tôi.
Nếu trồng trên diện tích 1.000 m2 thì được 700 - 800 nọc trầu, thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí. Ngoài chủ vườn có thu nhập khá, những người làm công như xếp trầu, quấn nọc trầu cũng có thu nhập đáng kể. Thu nhập đủ sống nhưng người dân ở đây cũng muốn làm du lịch để phát triển tiềm năng cảnh quan làng trầu. Một số nhà vườn đang trồng thêm những hàng cau trước nhà, làm cho đường làng trầu thêm đẹp.
Gia đình ông Đời rất vui khi lần đầu tiên mới biết phục vụ 2 bàn cơm trưa cho khách du lịch đúng nghĩa. Ông Gấm và ông Sàng thì dẫn chúng tôi đi quanh làng xem những dấu tích xưa được giữ đến bây giờ. Chúng tôi có một bữa ăn rất ngon, nghe những câu chuyện làng trầu rất hay.
Ông Đời cho biết ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân trồng trầu về kỹ thuật, về phân bón khá tốt. Còn du lịch thì dân muốn làm nhưng lúng túng vì không ai hỗ trợ cách làm sao cho đúng.
Tôi nghĩ có lẽ hay nhất là giúp người dân làm du lịch từ những gì họ đang sống, lấy cái hồn làng trầu mà đưa cảm xúc đến với khách là đã có nhiều chuyện hay. Vận động mỗi gia đình làm đẹp đường làng và ngõ vào nhà; tạo ấn tượng bằng việc trồng nhiều nọc trầu, hàng cau trước nhà; cùng nhau phân công: nhà nào phục vụ ăn trưa; nhà nào phục vụ các loại bánh, chè, nước uống dân gian; nhà nào trải nghiệm xếp trầu, hái trầu… Những hộ nào tham gia làm du lịch, ngành du lịch - văn hóa địa phương hỗ trợ họ đầu tư từ từ, có khách rồi phát triển thêm. Về món ăn thì nhấn mạnh những món đặc biệt, lạ như cá hủn hỉn, lươn đồng, bông lục bình ăn lẩu cá, lẩu mắm… như chúng tôi đã thưởng thức.
Vùng khóm thưa khách
Vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) là điểm đến thích hợp với những ai muốn khám phá đời sống nông dân với đồng ruộng. Từ năm 2009, khi tỉnh Hậu Giang tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất, vùng trồng khóm Cầu Đúc cũng được quảng bá để hướng tới phát triển du lịch.
Khách du lịch chèo xuồng vào ruộng khóm Cầu Đúc
Vùng khóm Cầu Đúc với hơn 1.500 ha thực sự xứng đáng là điểm đến để trải nghiệm cách người dân trồng khóm trên đất phèn. Người dân vùng khóm rất hiếu khách. Đến đây, khách được bơi xuồng len lỏi trong những mương nước cắt dọc, ngang những ruộng khóm, cảm nhận được nét độc đáo, bình dị của cuộc sống. Đến đây vào những ngày người dân thu hoạch khóm thì còn sướng hơn, được xem cảnh bà con hái khóm chất đầy ghe, rồi chẻ ngay một quả tươi ngọt lịm cho khách thưởng thức tại chỗ.
Từ trái khóm ăn tươi hoặc nấu canh chua, người dân Cầu Đúc còn chế biến nhiều món ăn từ khóm như: củ hũ khóm xào tôm, hầm thịt, làm dưa chua, đổ bánh xèo…; ép nước khóm, làm bánh khóm, mứt khóm, kẹo khóm, rượu khóm đãi khách. Chúng tôi thưởng thức một bữa ăn với các món toàn từ khóm như thế, thật thú vị.
Thế nhưng, các công ty lữ hành chưa mặn mà bởi đường vào vùng khóm Cầu Đúc quá nhỏ hẹp, khách phải đi bộ vào, tháng mưa ai cũng ngại cảnh nhầy bùn. Từ đó, những hộ muốn làm du lịch cộng đồng không còn mấy hào hứng và cũng chẳng đầu tư nơi nghỉ ngơi cho khách nữa. Dần dà, vùng khóm thưa khách...
Sơ sơ từng đó "cái có" của Hậu Giang thôi, chúng tôi đã mất 3 ngày mới trải nghiệm hết. Vậy mà, Hậu Giang đến giờ vẫn rất hiếm thấy trên danh mục tour của các công ty lữ hành!
Miệt Ngàn quá đặc sắc từ chuyện lập làng đến cảnh quan, sinh hoạt. TP Vị Thanh đang phát triển nhưng vẫn còn ngôi chợ quê độc đáo. Làng trầu quanh năm xanh mát với những nông dân đón khách như người thân. Làng Cầu Đúc trồng khóm ngon nổi tiếng. Kênh xáng Xà No chạy dài chứng kiến sức sống miền sông nước qua ngược xuôi của ghe tàu... |
Theo CÁC NGỌC (Người lao động)