Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều: Nơi giáo dục truyền thống cách mạng

30/01/2023 - 15:22

Nằm tại trung tâm Đồng Tháp Mười, đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (phường 1, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc.

A A

Đoàn viên, thanh niên dâng hương, bày tỏ lòng tri ân đối với vị Anh hùng dân tộc Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

Anh Nguyễn Hải Đăng (TP.Tân An) có chuyến công tác tại xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, không quên đến thắp hương Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. “Mặc dù đến đây không đúng vào dịp tổ chức lễ giỗ của ông nhưng tôi cảm thấy rất tự hào khi được viếng, nghe kể về lịch sử vị anh hùng của dân tộc có nhiều công lao chống giặc ngoại xâm và khai phá vùng đất Đồng Tháp Mười” - anh Hải Đăng chia sẻ.

Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều được đầu tư xây dựng khang trang hướng ra sông Vàm Cỏ Tây. Trước đền thờ có đặt mô hình 2 khẩu thần công, được phỏng theo nguyên bản khẩu thần công đặt tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh, là vũ khí của nghĩa quân Võ Duy Dương tại đồn Tả năm xưa.

Thông tin từ Ban Quản trị đền thờ, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều là người miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp. Ông đến Gia Định đầu quân chống thực dân Pháp. Nhờ giỏi võ nghệ, ông được cử chỉ huy một đội dân dũng. Ông đem quân về hợp tác với Thiên Hộ Dương, được phong chức Đốc binh và rồi trở thành Phó tướng. Ông hy sinh vào năm 1866, di hài được nghĩa quân an táng tại Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp.

Chiến công oanh liệt của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều là cùng Thiên Hộ Dương lập căn cứ chống Pháp ở vùng Đồng Tháp Mười vào những năm 1864-1866. Do địa thế nơi trấn giữ nhiều đầm lầy, tràm, đưng, muỗi, đỉa nên ông cùng nghĩa quân nghĩ ra nhiều cách đánh du kích khá hiệu quả như thả ong độc, rắn độc, hỏa công, gài chông, đặt bẫy,... để thực hiện nhiều trận tấn công trên bộ, dưới sông, tạo thành sức mạnh tổng hợp đẩy lùi nhiều trận càn quét của kẻ thù.

Hàng năm, chính quyền địa phương đều long trọng tổ chức lễ giỗ cho ông vào ngày 15, 16 tháng 10 Âm lịch. Đây cũng là dịp để người dân ôn lại lịch sử kháng chiến chống Pháp hào hùng của quân và dân vùng Đồng Tháp Mười, với phần lễ và phần hội phong phú như dâng hương, tế Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, tế Thần nông, cầu quốc thái dân an,...

Bí thư Thị Đoàn Kiến Tường - Nguyễn De Goonl thông tin: “Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thị xã thường xuyên quét dọn, lau chùi đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, chăm sóc cây xanh khu vực khuôn viên. Đây cũng là một trong những “địa chỉ đỏ” được các cơ sở Đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho lực lượng đoàn viên, thanh, thiếu nhi về những chiến công oanh liệt của cha ông trong những ngày đắp lũy, xây đồn, bảo vệ quê hương”./.

Theo Báo Long An