Quyết định được công nhận đúng vào dịp Lễ giỗ lần thứ 199 ông, bà Đỗ Công Tường; khẳng định công trình kiến trúc xứng tầm với di tích lịch sử văn hóa quốc gia và là điểm đến cho những ai có dịp về thăm Cao Lãnh.
Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (hay ông, bà chủ chợ Cao Lãnh) nằm trên đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh. Công trình này được xây dựng vào năm Canh Thìn (1820) dưới triều vua Gia Long. Từ năm 2001, Đền thờ được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Lễ giỗ lần thứ 199 ông, bà Đỗ Công Tường tổ chức trong sáng nay
Ông Vũ Phan Thành Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh cho biết, đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử văn hóa, thể hiện tín ngưỡng của nhân dân đối với vị tiền bối đã có công khai phá, tạo dựng làng mạc và hình thành nên địa danh Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp ngày nay.
Hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố long trọng tổ chức ngày giỗ cho ông bà. Các hoạt động góp công, góp của để trùng tu, tôn tạo đền thờ thêm đẹp và trang nghiêm cũng được thực hiện thường xuyên. Việc công nhận Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử cấp quốc gia có ý nghĩa quan trọng.
Hội thi làm bánh dân gian tổ chức ở thành phố Cao Lãnh.
Nhân Lễ giỗ lần thứ 199 của ông, bà Đỗ Công Tường, người dân trên địa bàn Thành phố Cao Lãnh đã tổ chức gói 4.500 đòn bánh tét và hàng ngàn chiếc bánh ít dâng cúng. Sau khi dâng cúng, bánh sẽ được tặng lại cho khách hành hương./.
Theo THANH TÙNG (VOV)