Nhà nông vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thu hoạch xong vụ màu trước cao điểm mùa khô.
Mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 đã gây nhiều thiệt hại lên cây trồng, vật nuôi khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chịu nhiều tổn thất qua hai lần “đại hạn”, chính quyền và nông dân vùng châu thổ Cửu Long lại có thêm kinh nghiệm, bài học quý báu để chủ động hơn trong chuyển đổi sản xuất, giảm thiểu rủi ro do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra...
Một trong nhiều giải pháp được nhà nông đồng thuận cao theo khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng là sản xuất theo kiểu “né” hạn, mặn. Cũng có thể hiểu, nhà nông vẫn duy trì canh tác, nhưng lịch thời vụ được tính toán kỹ càng hơn, sắp xếp, bố trí hợp lý hơn để tránh rủi ro do thiên tai, bảo đảm hiệu quả sản xuất.
Canh tác “né” hạn, mặn
Những ngày cuối tháng 3-2022, khi nhiều kênh, rạch ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cạn nước cũng là lúc nông dân địa phương thu hoạch xong vụ đưa màu xuống ruộng. Trên cánh đồng hơn 4 ha của gia đình lão nông Phan Văn Phưởng (ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời), những rẫy bí rợ tàn lụi dần, chỉ còn sót lại vài quả nhỏ cuối vụ. Ông Phưởng cho hay, bí Trang Nông của gia đình trồng cho trái to, bán được đến 9.500 đồng/kg. “Với hơn 24 tấn bí rợ, tôi thu được tổng cộng 240 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 140 triệu đồng.Vụ trồng màu năm nay thu lợi bằng hai vụ lúa cộng lại”.
Cùng vụ màu như ông Phưởng nhưng ông Cao Chiến Thi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Minh Hà A chỉ khai thác được khoảng 3 ha trong tổng số 4,2 ha đất ruộng của gia đình. Ông Thi trồng dưa hấu và loại bí khác, thu về hơn 11 tấn. Với giá bán 6.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí ông Thi còn lời khoảng 40 triệu đồng. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Thay vì trồng lúa vụ 3 dễ bị rủi ro vì thiếu nước tưới trong mùa hạn, tôi chuyển sang vụ màu chỉ 60 ngày là thu hoạch, hiệu quả tính ra cao hơn một vụ trồng lúa”.
Đợt hạn hán khốc liệt vào năm 2015-2016, hệ thống kênh, rạch vùng ngọt Trần Văn Thời cạn khô khiến nhiều cống giữ ngọt bị rò rỉ đáy, nước mặn xâm thực vào nội đồng, gây thiệt hại nặng nề lên cây trồng, vật nuôi. Đây cũng là một trong những lý do để chính quyền và ngành chức năng huyện này mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. Bởi vậy, vào cao điểm mùa khô như hiện nay, hầu khắp các đồng lúa của huyện Trần Văn Thời đã thu hoạch xong vụ lúa và vụ màu. Chỉ riêng ấp Minh Hà A, từ vài hộ thành công bước đầu vào năm 2017, đến nay toàn ấp đã có 48/224 hộ đưa rau màu xuống ruộng (tổng diện tích hơn 90 ha) thay vì trồng lúa vụ 3 như trước. “Các loại màu phổ biến trong vùng như bí rợ, bí đao, bầu, dưa hấu... Tùy theo diện tích canh tác, bình quân nhà nông trong ấp có nguồn thu nhờ trồng màu từ vài chục triệu đến hơn 200 triệu đồng/vụ”-ông Thi cho biết.
Theo đồng chí Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, thay vì canh tác ba vụ lúa trong năm có thể gây thiếu nước tưới cục bộ vào những tháng cao điểm mùa khô, những năm gần đây, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trong các mô hình đã chuyển đổi thành công bước đầu có mô hình lúa-cá đồng và lúa-màu. Địa phương đang tiếp tục khuyến cáo và nhân rộng hai mô hình nêu trên tại những nơi đủ điều kiện, giúp dân “né” được hạn, mặn vào cao điểm mùa khô, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Chủ động thích ứng
Đến giữa tháng 3-2022, mặn đã lấn sâu vào một số cửa sông vùng ngọt khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại Sóc Trăng, mặn theo sông, rạch vào nội địa từ 30-40 km. Từ nhiều tháng trước, ngành chức năng và chính quyền tỉnh Sóc Trăng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công trình (xây dựng, sửa chữa cống ngăn mặn, gia cố đê bao, trạm bơm điện, nạo vét kênh rạch để tăng tích trữ nước...) nhằm chủ động phòng, chống xâm nhập mặn.
Song hành giải pháp “cứng”, Sóc Trăng triển khai đồng bộ các giải pháp “mềm” bằng cách tăng cường tuyên truyền, phổ biến lịch thời vụ đến nhà nông để thực hiện sớm vụ lúa đông xuân 2021-2022. Vụ đông xuân vừa qua, Sóc Trăng xuống giống hơn 182.000 ha, vượt 6,5% kế hoạch, tăng 4,5%, tổng sản lượng thu về hơn 1,2 triệu tấn lúa, tăng 48.000 tấn lúa so với vụ cùng kỳ năm trước. Tại những vùng khó khăn về nước ngọt, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo nhà nông không cấy lúa vụ 3 mà chuyển sang trồng hoa màu hoặc cây trồng ngắn ngày ít cần nước, hoặc nuôi trồng thủy sản.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động khuyến khích nhà nông chuyển sang cây trồng ngắn ngày tiết kiệm nước tưới; khuyến cáo nhà vườn tận dụng rơm rạ, cỏ khô, lá khô... phủ gốc để giữ ẩm cho cây; không trồng mới trong thời gian hạn hán... Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp theo khuyến cáo mà đầu mùa khô 2022 đến nay, tỉnh chưa ghi nhận hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại do hạn, mặn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Phan Hoàng Vũ cũng chia sẻ: “Hơn 90.000 ha vùng ngọt hóa phía bắc của tỉnh Cà Mau nằm sau đê Biển Tây, sản xuất phụ thuộc vào nước trời, nên rất dễ bị xâm thực mặn, thiếu nước tưới. Vì thế, ngành chức năng và chính quyền địa phương chủ động khuyến cáo nông dân bố trí lịch thời vụ sớm hơn để thu hoạch trước khi khô hạn đến, hoặc chuyển đổi cây trồng sang những loại có thời gian sinh trưởng ngắn ngày. Nhờ đó, nhà nông tránh được rủi ro”.
Bên cạnh việc chủ động và có những cách làm hay như ở Cà Mau và Sóc Trăng, ở Trà Vinh và một số địa phương khác, chính quyền còn giúp nông dân chuyển sang các mô hình sản xuất khác đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu là mô hình tôm sạch, lúa hữu cơ gắn với phát triển kinh tế du lịch ở ấp Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành). Cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp ngành chuyên môn hướng dẫn nhà nông luân canh một vụ tôm-một vụ lúa hữu cơ gắn với kinh tế nông nghiệp. Mô hình nêu trên đã phát huy lợi thế và giúp nhà nông địa phương như gia đình ông Nguyễn Văn Út có thu nhập bền vững. “Gần 3 ha đất canh tác của nhà tôi trước đây bị nhiễm phèn, xâm nhập mặn vào mùa khô, năng suất lúa bấp bênh, nhờ được chỉ dẫn kỹ thuật canh tác mô hình tôm sạch, lúa hữu cơ ba năm trở lại đây gia đình tôi có thu nhập gần 200 triệu đồng/ha/năm. Đó là chưa tính đến nguồn thu từ việc tham gia làm du lịch cộng đồng...”, ông Út hồ hởi khoe.
Từ việc triển khai mô hình tôm sạch, lúa hữu cơ gắn với phát triển kinh tế du lịch, đến nay, Cồn Chim trở thành một trong nhiều điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở miệt vườn châu thổ Cửu Long. Chỉ tính từ tháng 9-2019 đến nay, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng điểm du lịch cộng đồng ấp Cồn Chim thu hút gần 30.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Ông Nguyễn Văn Quời, Bí thư Chi bộ ấp Cồn Chim tự hào: “Nhờ mô hình tôm sạch, lúa hữu cơ gắn với du lịch mà nhiều nông hộ ở Cồn Chim thu nhập hiện đã tăng gấp ba, bốn lần so với trước. Mô hình nêu trên hiện đang lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều cánh đồng lúa-tôm ở các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh”.
Xâm thực mặn và hạn hán gay gắt là tác động khó tránh từ biến đổi khí hậu. Trong cuộc chiến cam go trước thiên nhiên, chính quyền, ngành chức năng cùng nông dân vùng Cửu Long chọn cách thích ứng thiên nhiên. Đó cũng là cơ hội, là động lực để nông dân thay đổi cả tư duy và cách thức sản xuất, góp phần hạn chế những tác động xấu do thiên tai gây ra.
Những năm qua, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi khoảng 200.000 ha đất canh tác, trong đó có một diện tích không nhỏ chuyển từ lúa ba vụ sang làm chắc hai vụ lúa kết hợp cây trồng ngắn ngày ít sử dụng nước tưới. Việc chuyển đổi này không đơn thuần để đáp ứng theo nhu cầu thị trường, cho thu nhập tốt hơn mà cái chính là để sản xuất “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lê Thanh Tùng
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Theo HỮU TÙNG, THANH PHONG và MINH KHỞI (Nhân dân)