Diện mạo mới du lịch ĐBSCL

14/01/2019 - 08:53

Thời gian gần đây, nhiều địa phương ở ĐBSCL thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi, tạo không khí hoạt động du lịch sôi nổi.

Du lịch đã và đang tạo ra nguồn thu tương đối tốt cho người dân, doanh nghiệp, các địa phương… Đây là tín hiệu đáng mừng, song để ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững và trở thành kinh tế mũi nhọn, các tỉnh ĐBSCL còn rất nhiều việc phải làm.

Tấp nập du khách

Làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) được xem là một trong những điểm tham quan hấp dẫn du khách nhất ở ĐBSCL. Với không gian rộng lớn, thoáng mát, làng du lịch Mỹ Khánh có nhiều sản phẩm thu hút hàng ngàn người đến đây vui chơi, nhất là những ngày cuối tuần. Du khách sẽ được tham quan nhà cổ Nam bộ hơn 100 năm tuổi, làng nghề nấu rượu, làm bánh tráng truyền thống, vườn thú hoang dã, hồ cá cảnh và cho cá chép bú bình; trải nghiệm đi cầu khỉ, cầu dây, câu cá sấu; thử một ngày làm nông dân, thưởng thức cơm điền chủ… 

ĐBSCL cần phát triển các nhóm sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch trải nghiệm sông nước, du lịch sinh thái, du lịch di sản văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp…

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch 

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, hồ hởi khoe: “Trong năm qua, huyện Phong Điền hình thành thêm 14 điểm du lịch, nâng số điểm du lịch toàn huyện lên 59 điểm; trong đó làng du lịch Mỹ Khánh là chủ lực. Nhờ vậy năm qua Phong Điền đón gần 1,4 triệu lượt khách, tăng 27%”.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) TP Cần Thơ, ngành chức năng đầu tư phát triển mạnh về du lịch, từ tăng cường xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt, sở vừa đưa vào hoạt động 2 tuyến du lịch đường sông bến Ninh Kiều - chợ nổi Cái Răng - vườn du lịch Tư Dũng và bến Ninh Kiều - chợ nổi Cái Răng - vườn trái cây Bà Hiệp, nhằm đa dạng các loại hình du lịch. 

Tại Kiên Giang, Sở Du lịch tỉnh này tiết lộ, chỉ trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019 đã đón 122.250 lượt khách, tăng 31% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 15.122 lượt, tăng 78%; doanh thu đạt 83,6 tỷ đồng, tăng 65%. Riêng đảo ngọc Phú Quốc số lượng du khách đến tăng mạnh, nhất là khách quốc tế. Ước tính trong 4 ngày lễ Phú Quốc đón 60.948 lượt khách, tăng 99% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 13.385 lượt, tăng 61% so với cùng kỳ.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Năm qua toàn tỉnh đón hơn 7,6 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch hơn 6.195 tỷ đồng. Nếu đảo ngọc Phú Quốc khẳng định là điểm đến số 1, những điểm du lịch biển đảo như quần đảo Nam Du và Lại Sơn (huyện Kiên Hải), đảo Bà Lụa (huyện Kiên Lương)… ngày càng có đông khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi. 

Tại An Giang, nhiều điểm du lịch như Lâm viên núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, núi Ba Thê, đồi Tức Dụp, di chỉ Óc Eo, hồ Soài So, khu di tích núi Sam… luôn thu hút đông du khách. Năm qua An Giang đón 8,5 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 4.800 tỷ đồng, một con số ấn tượng.

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, nói: “Lượng khách đến làng hoa Sa Đéc, Vườn quốc gia Tràm Chim, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, đồng sen Tháp Mười… liên tục tăng, nhất là các dịp lễ, tết. Ước tính năm qua khách du lịch đến Đồng Tháp hơn 3,8 triệu người, tăng 8,6%; doanh thu đạt 800 tỷ đồng, tăng 17%, cao nhất từ trước tới nay”. 

Đầu tư đồng bộ, giữ chân khách

Song hành việc thu hút lượng khách đến ngày càng tăng, nâng chất lượng dịch vụ du lịch hấp dẫn và đa dạng cũng được các sở VH-TT-DL các tỉnh ĐBSCL tập trung đầu tư. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, năm 2019 tỉnh đề ra mục tiêu đón 8,3 triệu lượt khách, tăng 9,2%; trong đó khách quốc tế hơn 640.000 lượt người, tăng 25%; tổng doanh thu từ du lịch 6.840 tỷ đồng, tăng 10%.

Các tỉnh ở Đồng Tháp Mười có nhiều di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đặc sắc để phát triển thành các tour, tuyến du lịch. Song để du khách đến đông và giữ khách ở lâu phải tính đến việc cung cấp dịch vụ du lịch hấp dẫn từ cảnh quan, ẩm thực, mua sắm; đạo tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt cho du lịch… 

Ông Trương Hòa Bình,  Phó Thủ tướng Thường trực 

Để làm được điều này, Kiên Giang tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch hiện có, nhất là du lịch sinh thái biển đảo. Tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới; huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm. Tỉnh cũng quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm gồm Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải, U Minh Thượng - các điểm phụ cận và Phú Quốc.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đã đề ra nhiều chương trình nhằm thúc đẩy du lịch tăng tốc. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Đồng Tháp đón hơn 5,6 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế 160.000 lượt; tổng doanh thu về du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng; mức tăng trưởng bình quân đạt 7%/năm; đưa du lịch Đồng Tháp trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất ở ĐBSCL. Hiện Đồng Tháp đang quy hoạch phát triển không gian du lịch theo 3 cụm, với TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và thị xã Hồng Ngự đóng vai trò chính. 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhìn nhận: “Khách du lịch đến An Giang tăng theo từng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ khách lưu trú còn thấp, chi tiêu chưa cao nên nguồn thu từ du lịch chưa như mong muốn. An Giang đề ra mục tiêu phát triển du lịch giai đoạn từ nay đến năm 2020 vừa thu hút, vừa giữ chân du khách, với tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 10%/năm.
Đến năm 2020, ngành du lịch của tỉnh sẽ đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 20%. Giai đoạn 2021-2025 mục tiêu giữ chân du khách với tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025; tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%… 

Liên kết phát triển bền vững

Có thể nói, du lịch ĐBSCL đang chuyển mình mạnh mẽ, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phát huy hết tiềm năng. Cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL tuy có đầu tư nhưng chậm so với tốc độ phát triển du lịch. Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, chất lượng dịch vụ chưa cao; chưa có khu vui chơi tầm cỡ để giữ chân khách được lâu.

Hấp dẫn du lịch đồng sen ở vùng Đồng Tháp Mười. 

Tỷ lệ khách lưu trú thấp khiến doanh thu không cao; đội ngũ phục vụ du lịch chưa được đào tạo kỹ, trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho du lịch còn dàn trải… Vấn đề đáng quan tâm nữa là lâu nay TP Cần Thơ được xem là trung tâm của vùng ĐBSCL, nhưng chưa thật sự phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển du lịch; chưa tạo được sự kết dính các địa phương trong vùng để liên kết, hợp tác, quảng bá du lịch. 

Tháo gỡ những hạn chế trên, việc liên kết nhằm tăng sức mạnh và cùng phát triển du lịch bền vững là vấn đề cấp bách hiện nay.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết: “Để tránh trùng lắp về sản phẩm du lịch, tránh sự nhàm chán cho du khách, việc liên kết là yếu tố sống còn. Thời gian qua, thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch cụm phía Tây ĐBSCL được ký kết giữa 7 tỉnh, thành gồm TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang, các địa phương trong cụm đã tích cực triển khai nhiều giải pháp mới, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện, xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác trên các mặt… Nhờ đó năm 2018 các địa phương trong cụm thu hút hơn 30,2 triệu lượt khách, tăng gần 19% so cùng kỳ, chiếm 74% tổng lượt khách du lịch đến ĐBSCL. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 19.485 tỷ đồng, tăng 42%, chiếm gần 82% tổng doanh thu du lịch của vùng ĐBSCL”. 

Theo ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, để tăng sức mạnh và thay đổi diện mạo du lịch, Cần Thơ đã chủ động liên kết với Bạc Liêu nhằm trao đổi thông tin, kết nối tour tuyến… Đồng thời, hợp tác với các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn.

Gần đây, 3 tỉnh trong Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An, đã liên kết với TPHCM để phát triển du lịch. Cụ thể, hình thành tour du lịch “Một hành trình 3 điểm đến”, xuất phát từ TPHCM đi đến các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, bằng đường thủy và đường bộ. Ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An kỳ vọng với sự trợ lực của TPHCM sẽ tạo thêm sức mạnh cho du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười cất cánh. 

Tới đây An Giang tập trung phát triển các loại hình như du lịch tâm linh; du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng (du lịch trải nghiệm)… Tỉnh cũng đã ban hành chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch, trong đó tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch…”.

Ông Nguyễn Thanh Bình,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Theo Sài Gòn Đầu Tư