Sau 10 năm triển khai chương trình, diện mạo ĐBSCL đã thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện. Song, trong quá trình thực hiện, chương trình NTM cũng bộc lộ những hạn chế cần nhanh chóng tháo gỡ.
Hậu Giang huy động nhiều nguồn lực làm đường xi măng, phát triển nông thôn mới
Khởi sắc
Trước đây, xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có điểm xuất phát thấp, kinh tế khó khăn. Thế nhưng, từ khi được tỉnh chọn là 1 trong 4 xã điểm về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015, Đảng bộ, chính quyền và người dân đã quyết tâm vượt khó; dồn sức xây dựng cơ sở hạ tầng, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất...
Hơn 90km lộ nhựa nông thôn được làm mới, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, góp phần đưa Tân Dân từ địa phương có sông rạch chằng chịt, đi lại phải lụy đò, vỏ lãi, trở thành xã có đường xe chạy bon bon về tận nông thôn.
Ông Nguyễn Như Vàng, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết: “Qua 10 năm thực hiện chương trình NTM, đời sống người dân cải thiện không ngừng, thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,66%... Xã đã đạt chuẩn NTM và đang phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu vào năm 2020”.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh có 55 xã và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, người dân hiểu được mục tiêu quan trọng của chương trình là nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn. Từ đó, mọi người chăm chỉ, tự lực, hợp tác, cùng nhau góp công, góp của xây dựng làng quê khang trang.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay: “Trong quá trình thực hiện NTM đã xuất hiện nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Điển hình như mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM theo phương châm “3 tự, 1 nhờ”, có tổ giám sát các công trình hạ tầng, cộng đồng cùng bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, cùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP gắn với liên kết tiêu thụ, mang lại kết quả tốt. Với mô hình Nhà nước cấp vật tư, người dân góp ngày công lao động, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, với kinh phí hơn 12 tỷ đồng Nhà nước hỗ trợ, người dân đã thực hiện 26 công trình hạ tầng ở 25 xã, giúp giao thông đi lại thuận lợi…”.
Tại An Giang, ước tính đến cuối năm 2019, có 61 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành chương trình sớm hơn 1 năm so kế hoạch. Ngoài ra, còn có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bộc bạch: “Từ năm 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện NTM ở tỉnh là hơn 14.788 tỷ đồng. Nhờ đó, đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 40,7 triệu đồng (tăng 13,15 triệu đồng so với năm 2015). Hiện nay, giao thông nông thôn thông suốt, trường học, trạm y tế, chợ được đầu tư khang trang, bộ mặt nông thôn thay đổi căn bản, toàn diện”.
Vĩnh Long cũng là tỉnh linh hoạt, sáng tạo trong triển khai các giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Giai đoạn 2011 - 2019, Vĩnh Long huy động hơn 7.128 tỷ đồng xây dựng NTM, đưa toàn tỉnh có 45 xã đạt chuẩn; hoàn thành chỉ tiêu trước 2 năm so với kế hoạch đề ra.
Nôn nóng, đuối sức
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình NTM suốt 10 năm qua, một số địa phương đã tỏ ra nôn nóng. Vì nguồn lực hạn chế dẫn đến việc một số địa phương để nợ đọng. Điển hình như huyện Phước Long (Bạc Liêu), cuối năm 2010, được Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện điểm của cả nước về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015.
Trong quá trình thực hiện, huyện Phước Long đã chỉ đạo đồng loạt 7/7 xã cùng xây dựng NTM nên bị “đuối sức”, nhất là về nguồn vốn xây dựng cơ bản. Tính đến cuối năm 2015, nợ đọng của huyện Phước Long là hơn 287 tỷ đồng. Để khắc phục nợ đọng, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp và đến cuối tháng 8-2017, nợ đọng đã được thanh toán dứt điểm. Huyện được công nhận nông thôn mới vào năm 2017.
Ông Nguyễn Minh Tho, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Đến nay, Vĩnh Long không có nợ đọng trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, vẫn có nhiều xã gặp khó khăn do xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế, huy động các doanh nghiệp chưa cao bởi các dự án đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả thấp, sự đóng góp của cộng đồng còn hạn chế, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu... Giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Long cần khoảng 4.988 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn lồng ghép từ ngân sách địa phương đóng vai trò chủ lực với khoảng 3.500 tỷ đồng”.
Theo ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tới đây việc xây dựng NTM cần đánh giá đúng tiềm năng, lắng nghe những hiến kế của dân; việc huy động nguồn lực xã hội hóa phải khéo léo, hợp lý, đảm bảo công khai minh bạch, không quá sức dân. Ngoài ra, phát triển NTM cần gắn với khai thác thế mạnh của từng địa phương.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề xuất: cần ưu tiên hỗ trợ các xã vùng khó khăn, giải quyết yêu cầu bức thiết phục vụ sản xuất và dân sinh như đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nước sạch, tạo chuyển biến về cảnh quang, môi trường nông thôn... để người dân được thụ hưởng từ hiệu quả NTM mang lại.
Theo SGGPO