Nông dân Long An chăm sóc hoa để cung cấp cho thị trường Tết. Ảnh tư liệu: Đức Hạnh/TTXVN
Năm nay, tỉnh có 1.950 ha trồng cây hoa mai, hơn 30 ha vạn thọ, sống đời, rau dừa cạn, hướng dương, 15 ha cây phong lan… . diện tích trồng hoa này chủ yếu tập trung ở các huyện như Thạnh Hóa, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước và thành phố Tân An. Dù diện tích trồng hoa kiểng giảm nhưng giá các loại hoa kiểng tăng từ 20-30%, tùy theo loại do chi phí đầu vào tăng.
Ông Lương Hùng Thanh, ngụ tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cho biết, giá hoa sống đời các năm trước khoảng 120.000 đồng/cặp. Người dân có thu nhập ổn định thì mua từ 3-4 cặp. Còn năm nay, giá tăng khoảng 150.000 đồng/cặp nên người dân chỉ mua 1 cặp về cho có không khí Tết.
Đến thời điểm hiện tại, ở chợ Hoa Xuân Tân An, số lượng tiểu thương đến trưng bày, bán hoa kiểng chỉ 400 lô, giảm 40 lô so với những năm trước. Theo các nhà vườn, nguyên nhân tiểu thương đến buôn bán trưng bày tại Chợ Hoa Xuân Tân An giảm là do số lượng gieo trồng hoa năm nay giảm. Từ đó, nhà vườn chủ yếu bán tại địa phương, hạn chế chở đi các địa phương khác.
Bà nguyễn Thị Huệ, huyện Cần Giuộc cho hay, gia đình bà theo nghề trồng hoa tết cũng mấy đời, cứ cha truyền con nối. Năm nào trồng hoa trúng mùa, trúng giá thì năm đó ăn tết lớn. Năm nay, giá phân thuốc, hạt giống, tiền thuê mặt bằng đều tăng trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa biết bán thế nào nên bà không dám mạnh tay đầu tư, từ đó diện tích trồng hoa giảm khoảng 30% so với năm 2021.
“Những năm qua, nghề trồng hoa Tết đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh Long An có thêm thu nhập. Đặc biệt, năm nay dịch COVID-19 bùng phát lại đúng vào thời điểm các nhà vườn xuống giống hoa phục vụ thị trường Tết. Hy vọng thời gian tới, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, nông dân tăng diện tích trồng hoa màu phục vụ và sẽ được mùa, được giá, giúp họ có nguồn thu trong dịp Tết đến Xuân về”, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết thêm.
Theo THANH BÌNH (TTXVN)