Vườn bưởi canh tác hữu cơ. Ảnh: Sông Ngang
Hơn 14 ngàn ha canh tác nông nghiệp hữu cơ
Hiện tại, Bến Tre là một trong những tỉnh có diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ khá lớn với hơn 14 ngàn ha, chủ yếu là dừa, lúa, rau màu... Riêng các sản phẩm chế biến từ dừa được xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, Nhật, châu Âu... với hơn 10 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến.
Đến nay, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ có diện tích 15.337,1ha; trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 13.743,6ha (chiếm 17,8% so tổng diện tích dừa toàn tỉnh: 77.232ha), đang chuyển đổi 1.593,5ha.
Diện tích bưởi da xanh 9.442ha; trong đó 388,5ha đạt chứng nhận VietGAP, chiếm 4,1% diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh và 10ha đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS tại huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm.
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ huyện Thạnh Phú xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 100ha và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa sạch Thạnh Phú”. Huyện Thạnh Phú đã thành lập Hợp tác xã Lúa - Tôm và đã được chứng nhận 10ha sản xuất lúa hữu cơ. Thạnh Phú hiện có gần 4.200ha sản xuất lúa tôm đang tiếp tục khai thác sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn của tỉnh.
Diện tích cây rau màu toàn tỉnh khoảng 4.020ha, trong đó được chứng nhận VietGAP đạt 13,8ha, chiếm 0,34% so với toàn tỉnh và được chứng nhận hữu cơ khoảng 1,3ha theo tiêu chuẩn PGS ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam.
Tỉnh đã xây dựng được 30 trang trại chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP. Lĩnh vực thủy sản tỉnh có trên 40 cơ sở (CS) sản xuất theo hướng trang trại, 19 tổ hợp tác, 10 hợp tác xã nuôi thủy sản, 4 CS sản xuất giống cá tra chất lượng cao; trong đó có 9 CS được chứng nhận GlobalGAP, 6 CS được chứng nhận ASC, 1 CS được chứng nhận BAP và 11 CS được chứng nhận VietGAP.
Ứng dụng công nghệ cao
Theo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030: Đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 11 - 13% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn hữu cơ 0,2 - 0,5% tổng sản phẩm chăn nuôi bò; diện tích dừa sản xuất hữu cơ 20.000ha, bưởi da xanh 50ha, lúa 50ha, rau màu 5ha, nuôi tôm rừng 1.000ha, nuôi tôm lúa đạt tiêu chuẩn ASC 2.000ha.
Đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 16 - 18%, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 2 - 4%, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn hữu cơ 0,5 - 1% tổng sản phẩm chăn nuôi bò, diện tích dừa sản xuất hữu cơ 30.000ha, bưởi da xanh 200ha, lúa 200ha, rau màu 10ha, nuôi tôm rừng 4.000ha, nuôi tôm lúa đạt tiêu chuẩn ASC 6.000ha.
Chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định để hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn xây dụng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ.
Khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ. Đẩy mạnh phong trào xây dựng vườn cây hữu cơ gắn với tận dụng nguồn rác thải hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp ở các địa phương và xã nông thôn mới.
Xây dựng, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại, phân hữu cơ sinh học vào sản xuất, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi. Khai thác, phát triển và xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao. Khảo nghiệm, chọn lọc các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, thích nghi với biến đổi khí hậu, phù hợp với sản xuất hữu cơ.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 hơn 127 tỷ đồng; trong đó, 121 tỷ đồng dùng để đầu tư xây dựng 8 mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ (dừa, bưởi, lúa, rau, tôm rừng, tôm lúa, chăn nuôi và liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm) và 2 mô hình liên kết vật tư đầu vào phục vụ sản xuất hữu cơ.
Theo Báo Đồng Khởi