Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc tại tỉnh Trà Vinh

26/07/2023 - 09:12

Ngày 25/7, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm làm Trưởng đoàn, đã làm việc tại tỉnh Trà Vinh về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên, giai đoạn 2021-2025, tỉnh được Trung ương bố trí ngân sách gần 883 tỷ đồng; trong đó năm 2022 trên 315 tỷ đồng, năm 2023 trên 468 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2023, tỉnh đã giải ngân tổng kế hoạch nguồn vốn 2 năm này đạt 31,45%; trong đó chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 55%, chương trình giảm nghèo bền vững đạt 1,9%, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 24,6%.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, ngân sách tỉnh đối ứng 550 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 20 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến ngày 30/6/2023, tỉnh đã giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 và 2023 đạt 63,7%; trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 75% vốn đầu tư. Hai chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa giải ngân.

Đến nay, Trà Vinh có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 8/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer là 3.239 hộ, chiếm 3,61% tổng số hộ dân tộc Khmer, chiếm 59,94% tổng số hộ nghèo.

Năm 2022, toàn tỉnh giảm 1,31% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tương đương 2.218 hộ. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 3%/năm.

Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Việc ban hành và triển khai cụ thể hóa các quy định của Trung ương đối với 3 chương trình còn chậm; tiến độ giải ngân vốn chậm do vướng mắc về điều kiện, quy định của chương trình; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên, chưa liên tục từ cấp tỉnh đến huyện và xã; công tác xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành chậm...

Cùng với đó, tiêu chí xác định ấp đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giữa các giai đoạn có sự khác biệt, nhưng nhiều chính sách lại áp dụng đối tượng thực hiện như nhau, nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, bất cập. Việc bố trí lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho cùng một đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ 1 chương trình mục tiêu quốc gia trên 1 lớp học cũng gặp nhiều khó khăn do một số nội dung có sự trùng lặp về đối tượng, địa bàn thực hiện giữa các chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 2 Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 10, nên tỉnh chưa có cơ sở triển khai thực hiện và giải ngân vốn...

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đề xuất Ủy ban Dân tộc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số quy định cho phù hợp tình hình hiện nay, như Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; điều chỉnh chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2021-2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ 3% xuống còn 1%/năm tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân là số hộ nghèo của 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu năm 2022 là 6.581 hộ, chiếm 3,91% tổng số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên khả năng giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Quyết định 652/QĐ-TTg là không phù hợp với thực tế, không đạt được chỉ tiêu này.

Tỉnh kiến nghị xem xét tăng mức hỗ trợ đất ở, nhà ở tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị Ủy ban Dân tộc cho ý kiến về việc giải ngân vốn cho đối tượng hưởng lợi thuộc Dự án 1 được phê duyệt năm 2022, nhưng chưa được hỗ trợ và đến cuối năm 2022 đã thoát nghèo; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho triển khai Dự án 8 trên địa bàn 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, vì tỉnh Trà Vinh không còn xã, ấp đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Trung ương cho chủ trương để tỉnh điều chuyển nguồn vốn một số dự án…

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh kiến nghị xem xét nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho người học nghề; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, thiết kế hệ thống phần mềm theo dõi nguồn vốn, báo cáo tiến độ giải ngân vốn thực hiện các

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa nhân văn, chính trị quan trọng, tác động sâu sắc đến mọi thành phần trong đời sống xã hội; nhất là các đối tượng yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên mọi miền của đất nước. Việc giám sát các chương trình trên nhằm cùng Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện để đảm bảo việc thực thi các chính sách đạt hiệu quả.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội yêu cầu tỉnh Trà Vinh tích cực huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các chương trình; tiếp tục phát huy cách làm hay, sáng tạo, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; khen thưởng kịp thời các địa phương làm tốt và phê bình các địa phương làm chưa tốt các chương trình. Đồng thời lưu ý tỉnh cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình; phát huy năng lực, đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị và các cấp cơ sở trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với kiến nghị của tỉnh Trà Vinh, Đoàn sẽ tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Theo THANH HÒA (TTXVN)