Độc đáo ngôi chùa cổ trăm tuổi nổi tiếng giữa lòng Cần Thơ

04/09/2021 - 09:58

Là một di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1993, chùa Ông tại thành phố Cần Thơ là địa điểm thu hút rất nhiều du khách đến chiêm bái, tham quan.

Chùa Ông ở Cần Thơ, tọa lạc tại số 32 đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Theo các tư liệu khắc gỗ hiện có, chùa Ông hoàn thành năm 1896 , trên diện tích 532m2. Vừa vào cổng, là bảng đại tự "Quảng Triệu Hội Quán".

Công trình do nhóm người Hoa gốc từ Quảng Châu và Triệu Khánh lập ra, nên có tên "Quảng Triệu Hội Quán", là nơi thờ phượng, giao lưu, gặp gỡ đồng hương, giúp nhau làm ăn để an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới.

Đây là ngôi chùa hiếm hoi của Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung còn giữ nguyên trạng cổ kính và giá trị nghệ thuật kiến trúc với những ý nghĩa tín ngưỡng đặc trưng từ lúc xây dựng đến nay, dù trải qua nhiều năm chiến tranh, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Ngôi chùa có bố cục kiến trúc hình chữ Quốc, mái lợp ngói âm dương. Các đầu kèo, xuyên trính được chạm khắc họa tiết, hoa văn mang phong cách cổ điển, sơn son thiếp vàng theo truyền thống nghệ thuật miếu vũ. Các gờ bó mái bằng gốm tráng men lưu ly xanh biếc lẫn với sắc rêu phủ, tạo nên một vẻ cổ kính. Bên cạnh các biểu tượng long phụng, còn có tượng Ông Nhật Bà Nguyệt là điềm báo cát tường, tượng trưng cho âm dương trong văn hóa Á Đông.

Chùa Ông tiêu biểu cho lối kiến trúc đền miếu của người Hoa, với đôi lân chầu hai bên cửa chính gợi ý nghĩa thái bình, thịnh vượng.

Nói về cái tên Chùa Ông, người dân nơi đây quen gọi như thế vì trong chùa, ngay tại chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân, tức là Quan Công. Một số người dân lại quen gọi là Chùa Bà, bởi vì nơi đây cũng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phật Bà Quan Thế Âm, hai vị Phật bà cứu khổ, cứu nạn trong tâm thức người Hoa. 

Đôi lân chầu hai bên cửa chính gợi ý nghĩa thái bình, thịnh vượng. 

Chùa không nằm biệt lập mà nằm giữa khu dân cư, hòa mình trong quần chúng giống như những ngôi chùa khác của dân tộc Hoa.

Khi ghé thăm Chùa Ông, bạn sẽ bị thu hút bởi các bức phù điêu, chiếm một vị trí cực kì quan trong trong trang trí. Tại đây phù điêu trang trí khắp nơi trên các hoành phi, bao lam, xà ngang, liễn đối, nghệ thuật chạm nổi xuất sắc với nội dung vô cùng phong phú được trích từ các điển tích, lịch sử Trung Quốc, như: Tam quốc chí, Bát tiên,... Ngoài ra, kĩ thuật chạm chìm cũng vô cùng điêu luyện, thể hiện trong những đề tài ước lệ: mai, lan, cúc, trúc, cá hóa tiên, lưỡng long chầu nguyệt, chim phụng…

Chùa Ông đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Ngoài thờ Quan Công, biểu tượng cho sự chính trực và dũng cảm của người Hoa, chùa Ông còn thờ những chư vị bồ tát và thần như Thiên Hậu Thánh Mẫu - đây là vị thần hỗ trợ người Hoa khi di dân trên biển cả, Quan Âm Bồ Tát - vị phật bà cứu khổ cứu nạn và ban phát con cái, Ông Bản - vị thần cai quản đất đai, của cải, phú quý, hạnh phúc,...  

Du khách ấn tượng bởi hàng chục nén nhang vòng lớn hình chóp nón màu đỏ được treo lơ lửng.

Tại Chùa Ông cũng có rất nhiều những ngày cúng bái, người dân bản địa và du khách thập phương đổ xô về Cần Thơ để cùng tham dự lễ bái Phật. Người ta sẽ sắm sửa lễ vật mang đến chùa như heo, gà, vịt quay, nhang đèn,... Tùy vào vị Phật mà sẽ có những vật phẩm cúng khác nhau. Phật bà Thiên Hậu sẽ cúng heo quay sơn đỏ, Quan Công cúng chay cùng nhang đèn, Ông Bản thì sẽ là heo sống,... Đặc biệt, chùa ông còn có lễ đấu đèn được tổ chức 10 năm 1 lần với quan niệm ai sở hữu được chiếc đèn lồng sẽ gặp may mắn và thành đạt. 

Chùa Ông nằm trên đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều, Cần Thơ.

Ngày 24 tháng 6 âm lịch hàng năm là ngày vía Quan Công với lễ vật là các món chay và hoa quả, nhang đèn. Bên phải thờ bà Thiên Hậu, một nhân vật hiển thánh được sắc phong vào đời Tống, được người Hoa tôn sùng là vị thần phò hộ cho những người đi biển, độ trì cho lữ khách tha hương. Chùa Ông cúng Bà bằng lễ vật heo quay sơn đỏ vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Bên trái của chánh điện, có thờ nhân vật đặc biệt là Đổng Vĩnh Trạng Nguyên, một thư sinh đời Hậu Hán được ghi tên trong sách "Nhị thập tứ hiếu", người mà đức hiếu thảo đã làm động lòng trời, sau đỗ đạt thành danh. Bên cạnh là bàn thờ Tài Bạch tinh quân, dân gian quen gọi là Thần Tài, vị thần mà những người buôn bán kinh doanh đều mong được Ngài gõ cửa. Lễ vía Tài bạch tinh quân vào ngày 22 tháng 7 âm lịch hằng năm.

Đây là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Cần Thơ.

Theo KHÔI VŨ (Dân Trí)