Đồng bằng sông Cửu Long: Chuẩn bị hàng nông sản phục vụ tết

11/11/2022 - 15:02

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, vì vậy nhiều nông dân ở các tỉnh ĐBSCL khẩn trương chăm sóc các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết với hy vọng được mùa, được giá...

Chăm sóc cúc mâm xôi ở làng hoa Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: H.TÂN

“O bế” trái cây đẹp để bán tết

Tại các xã Long Hậu, Tân Thành và Tân Phước là những nơi có diện tích trồng quýt hồng nhiều nhất của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, hiện tại nông dân đang dồn sức chăm sóc để kịp thu hoạch vào dịp tết 2023. Ông Lưu Văn Tín, có 6,5 công quýt hồng ở xã Long Hậu, cho hay: “Mấy ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khá mạnh, cộng với triều cường và mưa nhiều nên mực nước dâng cao. Mặc dù khu vực này có đê bao, nhưng nông dân cũng phải bơm nước ra ngoài sông nhằm bảo vệ vườn quýt không bị ngập. Hiện nay, quýt hồng đang trong giai đoạn mang trái sai oằn nên hàng ngày phải chăm sóc chu đáo”.

Nông dân áp dụng bao trái cây để sản phẩm đạt chất lượng phục vụ nhu cầu tết. Ảnh: H.THU

Theo ông Tín, năm nay tình hình mưa nhiều, nhưng nông dân chủ động ứng phó từ đầu nên cây trái không bị ảnh hưởng. Dự báo khu vườn của gia đình đạt khoảng 20 tấn quýt, chỉ cần đến dịp tết có giá tương đương năm trước là 40.000 đồng/kg thì sẽ trúng đậm…

Ông Đặng Thanh Lâm, cùng ngụ xã Long Hậu tiết lộ, quýt hồng là loại trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp, bởi ưu thế thu hoạch ngay đúng dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Ngoài ra, quýt hồng có màu sắc đẹp nên rất được nhiều gia đình ưa chuộng để chưng cúng trong dịp tết. Từ những đặc điểm đó, chỉ cần nông dân chăm sóc trái quýt đẹp, chín đúng vào những ngày tết… thì sẽ bán được giá cao. “Hơn 6 công quýt của gia đình với khoảng 18 tấn, đang “o bế” cho trái to, màu đẹp… nhằm cung ứng cho thị trường tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL vào đúng tết 2023”, ông Lâm cho biết.

Theo kỹ sư Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, năm nay toàn huyện có khoảng 200ha quýt hồng đặc sản, với sản lượng dự kiến 2.500 tấn trái. Qua khảo sát gần đây thì hầu hết bà con canh tác khá tốt, thời tiết chưa ghi nhận bất thường và trái quýt đang phát triển, hy vọng được mùa trong dịp tết tới. Vấn đề mà bà con quan tâm là kỳ vọng quýt hồng được giá để thu lợi nhuận cao.

Trong khi đó, nông dân trồng bưởi tết ở Bến Tre, Sóc Trăng… cũng đang tất bật chăm sóc vườn cây của mình. Ông Đào Văn Minh, Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh Phú Thành, ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Bưởi da xanh là một trong những loại trái cây mà nhiều gia đình chọn chưng cúng trong dịp tết, vì vậy nhu cầu tiêu thụ luôn tăng cao. Hiện 34 thành viên của Tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh Phú Thành luôn túc trực ngoài vườn để phòng tránh sâu vẽ bùa gây hại, o bế màu da và lá bưởi cho đẹp, nhằm dễ dàng tiêu thụ trong dịp tết. Hiện tại giá bưởi da xanh được thương lái thu mua từ 17.000-20.000 đồng/kg, tuy nhiên vào dịp tết, dự báo sẽ tăng lên 30.000-40.000 đồng/kg”.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (tỉnh Bến Tre), cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư, hợp tác với hơn 30 hơp tác xã và tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh ở khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ... Bình quân mỗi năm cơ sở thu mua hơn 15.000 tấn bưởi da xanh phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Hiện, cơ sở đang chuẩn bị nguồn hàng để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ bưởi da xanh khắp cả nước vào dịp tết 2023 sắp tới…”.

Ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang các vườn xoài tết được chăm sóc, tưới thuốc dưỡng trái do mưa nhiều. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL đang tích cực hỗ trợ nông dân về kỹ thuật bảo vệ trái cây tết, nhất là các loại có giá trị như quýt hồng, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh… Về cơ bản đến nay chưa ghi nhận những thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo cho bộ phận kỹ thuật ở các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, vận động người dân cẩn trọng trong việc sản xuất nông sản phục vụ tết. Khuyến khích bà con chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp hoặc các thương lái trên địa bàn để ký kết hợp đồng sản xuất theo sản lượng đặt trước để tránh tình trạng khó bán khi vào vụ.

Tăng cường sản xuất

Chị Lê Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), tâm sự: “Những ngày qua đã có các đơn hàng từ nhiều nơi liên hệ đặt sản phẩm tiêu thụ trong dịp tết 2023…”. Theo đó, hợp tác xã đang cung ứng ra thị trường sản phẩm tôm khô đặc sản Vĩnh Thuận với giá khoảng 580.000-700.000 đồng/kg; khô cá lóc giá khoảng 250.000 đồng/kg; khô cá kèo giá khoảng 300.000 đồng/kg; khô cá sặc rằn 240.000- 280.000 đồng/kg… Ngoài các sản phẩm trên thì dịp tết 2023 tới đây hợp tác xã sẽ sản xuất loại tôm khô đặc sản loại lớn có giá từ 800.000-950.000 đồng/kg.

“Loại tôm khô này rất ngon được chế biến từ tôm nguyên liệu nuôi theo mô hình tôm - lúa của địa phương nên chất lượng tôm đảm bảo. Đây là sản phẩm mà những cơ quan, đơn vị, công ty… khá yêu thích nhằm để làm quà biếu trong dịp tết”, chị Thoa cho hay. Nếu như tết năm ngoái, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát cung ứng ra thị trường từ  5-6 tấn khô các loại thì năm nay dự kiến tăng lên 8-10 tấn.

Ở Cà Mau, nhiều làng nghề bắt đầu đẩy mạnh sản xuất nhằm phục vụ thị trường tết. Điển hình như làng nghề làm khô ở Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), khô Rạch Gốc  (huyện Ngọc Hiển)… đang gia tăng chế biến cá khô, tôm khô, bánh phồng tôm. Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi, ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, thông tin: Nếu như mỗi tháng hợp tác xã cung ứng ra thị trường hơn 4 tấn khô các loại thì từ tháng 11-2022 trở đi sẽ tăng dần lên theo đơn đặt hàng và cao điểm sẽ vào 1 tháng giáp tết.

Theo tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, mặt hàng hoa kiểng gần như không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền hàng năm. Do đó, nhiều bà con ở làng hoa Chợ Lách đã chuẩn bị khá chu đáo. Dự báo, Tết Quý Mão 2023, chỉ riêng làng hoa Chợ Lách sẽ đưa ra thị trường 10 triệu sản phẩm các loại. Trong đó, cúc mâm xôi tăng cao từ khoảng 1,5 triệu sản phẩm của năm trước lên hơn 2 triệu sản phẩm, giá bán ước khoảng 300.000 đồng/sản phẩm (tùy loại lớn nhỏ); đối với kiểng tạo hình 12 con giáp vẫn tiếp tục được phát huy, bởi đây là thế mạnh của huyện Chợ Lách.

“Thời gian qua, dù có xảy ra mưa nhiều, triều cường… Song, bà con trồng hoa kiểng đều ứng phó hợp lý, không bị ảnh hưởng gì lớn. Có thể nói, đến thời điểm này hoa kiểng tết phát triển khá ổn và kỳ vọng trổ hoa đúng dự báo nhằm góp phần mang đến không khí tết, trang trí thêm vẻ đẹp cho mỗi gia đình khi tết đến - xuân về…”, tiến sĩ Bùi Thanh Liêm bộc bạch.

Ở Hậu Giang, lúc này nông dân cũng bắt đầu sản xuất rau màu, trái cây đón tết. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã lưu ý bà con nông dân chú ý các đối tượng gây hại trên rau màu. Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thuốc thuộc danh mục cho phép; phun và cách ly đúng thời gian để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với thực phẩm nông sản phục vụ tết, bà con cần lưu ý thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với cây ăn trái, bà con thường xuyên vệ sinh vườn cây, tỉa cành để hạn chế sâu bệnh phát triển. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất. Để hạn chế côn trùng gây hại và đảm bảo chất lượng nông sản tết, bà con nông dân nên áp dụng bao trái trên bưởi, mãng cầu xiêm, xoài cát… để sản phẩm bắt mắt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Báo Hậu Giang