Đồng bằng sông Cửu Long: Giảm mạnh vùng mía nguyên liệu

22/11/2022 - 15:36

Các tỉnh ÐBSCL đang vào thu hoạch vụ mía năm 2022-2023, tuy nhiên những ngày qua do các nhà máy đường trong vùng triển khai thu mua trễ, trong khi những đợt triều cường, mưa kéo dài và lũ đổ về… đã khiến hàng trăm héc-ta mía nguyên liệu ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) bị ngập có nguy cơ ảnh hưởng năng suất, chất lượng…

Nông dân lo lắng

Là người canh tác mía đã nhiều năm, nhưng vụ này ông Lê Văn Gàn (ngụ xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) vô cùng vất vả bởi triều cường dâng cao, kết hợp với mưa nhiều làm ngập 8 công mía của gia đình. Ông Gàn cho biết: “Hơn 10 năm nay chưa có tình trạng mía bị ngập như thế này, do đó lúc đầu hầu hết nông dân không chuẩn bị kỹ, tới khi triều cường dâng cao tràn vào các ruộng mía khiến ai nấy trở tay không kịp”. Theo ông Gàn, đối với những ruộng mía nằm trong khu vực có đê bao thì bà con khẩn trương bơm tát nước ra ngoài, chấp nhận tốn kém chi phí xăng dầu. Còn những ruộng mía nằm riêng lẻ, không có bờ bao an toàn thì đành chịu; nếu bị ngập sâu và kéo dài sẽ làm cho cây mía “chựng lại”, không phát triển, năng suất giảm - chất lượng ảnh hưởng và giá sụt là chuyện hiển nhiên. Vì vậy, nông dân tranh thủ thu hoạch để bán mía chục cho thương lái cung ứng làm nước mía.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía. 

Cùng nỗi lo trên, bà Ðoàn Thị Thủy (ngụ xã Hiệp Hưng), cho hay: “Ruộng mía của gia đình tôi cũng bị ngập những ngày qua. Nếu như ngập nhà cửa, đồ đạc… thì còn di dời được; chứ cây mía trồng ngoài ruộng thì đâu thể “chạy lũ”. Nên ai nấy tranh thủ đốn bán mía chục để ép nước mía”. Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng nhìn nhận, mía là một trong những cây trồng lâu năm và chủ lực của địa phương. Cách nay vài tháng, bà con trong xã đã bắt đầu thu hoạch mía để bán mía chục (thương lái thu mua chở đi các nơi cung ứng cho ép nước giải khát), với giá khoảng 2.200-2.500 đồng/kg, thậm chí có lúc tăng lên khoảng 2.700-3.000 đồng/kg trở lên - mức giá cao nhất trong nhiều năm qua, làm cho nông dân phấn khởi, bởi thu lời từ 15-20 triệu đồng/công trở lên. Ai cũng ngỡ năm nay mía được mùa - được giá, nào ngờ bây giờ triều cường và mưa gây ngập cả trăm héc-ta nên cần thu hoạch sớm để tránh bị ảnh hưởng.

Theo thống kê của huyện Phụng Hiệp, do triều cường dâng cao thời gian qua đã làm ngập khoảng 900ha mía ở các xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu… với mức độ sâu từ 10-20cm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng chính quyền địa phương thống kê thiệt hại, đồng thời hỗ trợ nông dân các giải pháp ứng phó.

Nhiều nơi ào ạt bỏ… ruộng mía

Niên vụ 2022-2023 này, nông dân tỉnh Hậu Giang sản xuất hơn 3.840ha mía, chủ yếu là huyện Phụng Hiệp và một ít ở TP Ngã Bảy. Tính đến đầu tháng 11-2022, nông dân đã thu hoạch khoảng 2.900ha, chủ yếu bán cho thương lái cung ứng các nơi để ép nước giải khát. Ðối với những diện tích mía bị ngập những ngày qua thì ngành chức năng khuyến cáo nông dân tranh thủ thu hoạch sớm các vùng mía đã đạt trữ lượng đường, nhằm tránh nguy cơ thiệt hại.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nhận định: “Vài năm nay, các nhà máy thu mua mía của nông dân không được chu đáo như lúc trước. Bên cạnh đó, giá của nhà máy đường đưa ra bình quân chỉ khoảng 1.300 đồng/kg thấp hơn so với việc bán mía chục bên ngoài. Chính vì vậy, không ít nông dân chán nản và phá bỏ ruộng mía, số còn lại thì chuyển từ việc trồng mía bán cho nhà máy chế biến đường cát sang trồng mía bán chục (ép nước giải khát). Ðiển hình như năm 2022 toàn huyện Phụng Hiệp có hơn 3.500ha mía thì đến nay bà con bán mía chục khoảng 2.000-2.500ha; diện tích mía dành cho các nhà máy đường không còn nhiều…”.

Cũng theo ông Trần Văn Tuấn, lúc cao điểm (những năm 2005-2007) chỉ riêng huyện Phụng Hiệp có khoảng 7.000-8.000ha mía; đây cũng là vùng mía thu hoạch sớm nhất ở ÐBSCL, do đó có nhiều nhà máy đường các nơi về đây tranh giành thu mua mía chín sớm để hoạt động, tạo nên không khí mùa vụ rất sôi động. Tuy nhiên, dần về sau này do giá mía lên xuống thất thường không ổn định, nhân công lao động ngành mía khan hiếm, sản xuất kém hiệu quả… nên bà con ào ạt bỏ mía. “Mục tiêu của huyện đến năm 2025 và 2030 cố gắng giữ khoảng 2.500ha mía. Ðồng thời, khuyến khích bà con canh tác theo mô hình bán mía chục sẽ đảm bảo lợi nhuận, bởi các chi phí thu hoạch, vận chuyển… do thương lái tự lo; ngoài ra giá bán mía chục cũng cao hơn rất nhiều so với bán cho nhà máy đường. Ðối với các diện tích còn lại sẽ chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản…” - ông Tuấn bộc bạch.

Ở các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Bến Tre… nông dân cũng ùn ùn phá bỏ đồng mía. Tại huyện Cù Lao Dung, một thời được xem là “thủ phủ” mía của tỉnh Sóc Trăng với diện tích khoảng 8.000ha thì đến năm 2022 này đã giảm xuống còn vỏn vẹn 2.700ha mía. Ông Nguyễn Văn Ðắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, thừa nhận: “Với số diện tích mía còn khá ít như vậy huyện cũng khuyến khích bà con tăng cường mô hình sản xuất theo dạng bán mía chục, vừa dễ tiêu thụ và được giá cao hơn. Ðối với hàng ngàn héc-ta mía đã phá bỏ thời gian qua thì nông dân chuyển sang nuôi tôm, trồng rau màu, cây ăn trái… Về cơ bản, diện tích mía sẽ khó tăng trở lại”.

Các tỉnh ÐBSCL từng là vùng mía trọng điểm của cả nước với khoảng 100.000ha, nhưng mấy năm nay diện tích giảm mạnh xuống còn khoảng 20.000ha và nguy cơ tiếp tục giảm. Do đồng mía mất quá nhiều nên từ chỗ có tới 10 nhà máy đường thì nay chỉ còn khoảng 3 nhà máy hoạt động. Nhiều nông dân ở ÐBSCL cho biết, nếu như tới đây giá mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy không cải thiện thì họ tiếp tục bỏ mía, hoặc tiếp tục sản xuất theo dạng bán mía chục dễ tiêu thụ hơn…

Gần đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi đến các cơ quan chức năng, phản ánh tình trạng đường nhập lậu hoành hành trở lại từ đầu năm 2022 trở đi. VSSA cho rằng, đường nhập lậu uy hiếp đường cát nội địa, bởi họ giá bán thấp chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg (tức là thấp hơn giá đường vàng trong nước), đã khiến cho đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, lượng tồn kho nhiều, chi phí tài chính tăng… dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Cụ thể, niên vụ sản xuất 2021-2022, chỉ có 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy buộc phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, thì 17 nhà máy bị thua lỗ (chiếm gần 70%). Dẫn đến khoảng 3.300 người lao động bị mất việc làm và khoảng 100.000 hộ trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác. Ngành mía đường rơi vào cảnh khó khăn.

VSSA kiến nghị cơ quan chức năng, tăng cường chỉ đạo các lực lượng tại các tỉnh biên giới Tây Nam (giáp giới với Campuchia và Lào) đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các tuyến biên giới, kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu; nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...  

Theo Báo Cần Thơ