Cứ mùa gặt vừa xong, lúa thóc phơi khô chất vào bồ thì người dân quê tôi lại bận rộn trong việc phơi rơm rồi vận chuyển vào trong một góc sân nhà hay đầu vườn, chất thành đống cao tròn trịa. Đống rơm sau khi được chất xong thì nó được gọi bằng cái tên khác, đó là cây rơm. Sở dĩ có tên gọi đó vì nó có phần gốc và phần ngọn hẳn hoi, lại cao ngất nghểu trông như một thân cây khổng lồ màu vàng óng, thấp thoáng trong rặng dừa, rặng cau. Đến với từng nhà trong quê tôi cứ nhìn vào độ to của đống rơm mà đoán biết được ruộng đất nhà đó nhiều hay ít. Thậm chí qua đống rơm còn đoán biết được khả năng kinh tế của từng nhà. Rơm khô được người dân quê tôi dùng để nuôi gia súc trong mùa khan hiếm cỏ tươi hay những lúc mưa bão không thể ra ngoài chăn thả. Phổ biến nhất là dùng rơm khô đậy đất trồng rẫy, khi đất được phủ màn rơm sẽ giữ được độ ẩm, mùa màng khoai bắp tốt tươi. Ngoài ra còn làm chất đốt. Thích nhất là được quây quần bên ánh lửa rơm để nướng bánh tráng, bánh phồng hoặc cá lóc nướng trui mỗi khi Tết đến, xuân về.
Mỗi buổi sáng bà tôi thường dậy sớm rút rơm, từ cây rơm sau nhà nhóm lửa, nấu nồi cơm để mang theo ra đồng. Những ngọn lửa rơm chờn vờn trong màn sương mỏng đã ấp ủ trong tôi biết bao nhiêu tình quê, tình thương yêu với bà, với ba má tôi trong những buổi ra đồng hay bên mâm cơm ấm áp. Lúc chiều về đứng trên đường quê thấy khói rơm quyện đều trên mái tranh. Mùi khói rơm tỏa hương ngan ngát, lòng tôi không khỏi xao xuyến bâng khuâng trước cảnh thanh bình của làng quê mình. Phải quen thuộc và tinh tế lắm mới nhận ra được mùi hương của khói rơm khô, ấy thế nhưng với trí tưởng tượng của người dân quê, mùi khói từng bay cao đến chín tầng mây đấy nhé.
Cứ sau mỗi lần chất đống rơm mới thì tôi lớn thêm một chút, vì thế cây rơm đã gắn bó với tôi suốt quãng đời trẻ dại. Hồi còn nhỏ tôi thường ra cây rơm để lấy rơm cho má tôi, bà tôi nấu nướng. Thích nhất là lúc vừa tờ mờ sáng, tôi thường thức sớm ra gốc rơm nhổ nấm. Những ngày mưa bão sấm chớp, dưới gốc rơm, nấm rơm mọc càng nhiều. Hoặc lúc ban trưa nghe tiếng gà cục tác là tôi biết gà đã vào cây rơm đẻ trứng. Vì vậy, cây rơm, quả trứng, tiếng gà,… như hòa quyện những năm tháng tuổi thơ tôi. Vui nhất là buổi chiều đến, cùng với chúng bạn chơi trò trốn tìm, tối về ngủ cứ ngọ ngoậy suốt đêm vì sót rơm, bị má tôi mắng cho một trận. Lớn lên một chút tôi và cô bạn gái hò hẹn bên gốc cây rơm thơm lừng mùi rạ mới. Lúc từ biệt quê lên tỉnh đi học, bên đống rơm, hai đứa nói lời tạm biệt, cô ấy cứ thút thít mãi không thôi.
Ngày nay, trong mùa thu hoạch, cứ lúa được máy gặt đến đâu thì rơm được cuốn thành từng cuộn chở đi khắp nơi, dùng vào nhiều công việc như bán cho trại chăn nuôi, ủ nấm, trồng rẫy… Theo thời gian, trâu bò cũng vắng bóng trên đồng, cơm được nấu bằng bếp điện, bếp gas nên cây rơm chỉ còn trong ký ức. Những lúc về lại miền Tây qua những cánh đồng lúa vàng ươm trong tôi lại mường tượng tới đống rơm đầu vườn, rồi biết bao kỷ niệm chợt ùa về.
Đống rơm tuy rất đơn sơ nhưng nó lại mang nét đẹp của miền Tây sông nước, là hồn của quê hương tôi. Nhớ tới đống rơm là nhớ tới bao ngày tháng của tuổi thơ tôi và bao người thân yêu bên ruộng lúa nương khoai, rẫy bắp. Nhớ thời gian êm đềm của làng quê với nồi cơm bếp rơm vô cùng ấm áp và biết bao hình ảnh người dân quê thật thà chân chất. Thử hỏi lòng ai không vương vấn trong những lúc rời xa!
Theo MINH ĐIỀN (Báo Vĩnh Long)