Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 cơn áp thấp nhiệt đới và 9 cơn mưa lớn kèm theo giông lốc, gió mạnh làm chết 1 người, sập hoàn toàn 14 căn nhà, tốc mái 155 căn, đổ ngã 2 cây lâu năm và 2,15ha hoa màu, ước thiệt hại do mưa giông khoảng 2,395 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở sông Tiền, sông Hậu trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến khó lường. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ sạt lở bờ sông Tiền với chiều dài sạt lở 0,22km, diện tích sạt lở 0,658ha, làm hư hại hoàn toàn 2 kè; sạt lở dạo (ăn mòn đất) xảy ra tại 2 huyện Thanh Bình và Cao Lãnh với chiều dài khoảng 21km, diện tích sạt 1,25ha, ước thiệt hại 7,55 tỷ đồng.
Tình trạng sạt lở ở khu vực nội đồng trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 44 vụ sạt lở, sụp lún với chiều dài sạt lở là 1,78km, diện tích 0,482ha làm ảnh hưởng trực tiếp đến 23 hộ dân, với chiều dài 9,52km, diện tích sạt 2,12ha, ước thiệt hại 6,05 tỷ đồng.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo ƯPBĐKH, PCTT&TKCN tỉnh cho biết, để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp xây dựng nhiều kịch bản, phương án ứng phó tương ứng với từng mức độ rủi ro thiên tai. Cụ thể, để ứng phó với diễn biến sạt lở bờ sông Tiền ngày càng nghiêm trọng, từ năm 2020 đến nay, từ nguồn lực của địa phương và hỗ trợ của Trung ương, Đồng Tháp đầu tư xây dựng nhiều công trình kè phòng chống sạt lở bờ sông với tổng kinh phí 2.946,672 tỷ đồng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng còn gặp một số khó khăn như: một bộ phận người dân chưa chủ động trong phòng, chống thiên tai nên thiệt hại xảy ra còn nhiều; nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống thiên tai thiếu, lực lượng có trình độ chuyên môn sâu còn ít và làm việc theo hình thức kiêm nhiệm; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp; cơ sở vật chất cơ quan tham mưu chỉ đạo, điều hành còn hạn chế, thiếu thiết bị cảnh báo tự động tại cộng đồng….
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Vũ Minh kiến nghị Đoàn công tác xem xét hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp về việc bổ sung ngân sách Trung ương cho tỉnh giai đoạn 2021- 2025 với số tiền 49.415 triệu đồng, để hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh hỗ trợ người dân ổn định chỗ ở trong những năm qua; xây dựng kế hoạch và triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ làm công tác này ở cấp cơ sở; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện Dự án khảo sát, đánh giá diễn biến lòng dẫn sông Tiền làm cơ sở nghiên cứu, cảnh báo sạt lở và chủ động ứng phó.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Sinh - Phó Vụ Trưởng Vụ Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo QGPCTT đánh giá cao về công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai của tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, Đoàn công tác ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Đồng Tháp. Sau chuyến công tác, Đoàn sẽ hoàn thiện những đề xuất của tỉnh và báo cáo kịp thời đến Ban Chỉ đạo QGPCTT. Ngoài ra, ông Sinh lưu ý, Đồng Tháp là địa phương có đặc thù địa lý nhiều sông ngòi, do đó, ngành giáo dục địa phương cần trang bị kỹ năng ứng phó với thiên tai, tuyên truyền công tác phòng, chống đuối nước, tăng cường mở các lớp phổ cập bơi cho các em học sinh….
Theo MỸ LÝ (Báo Đồng Tháp)