Đồng Tháp: Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các địa phương giãn cách xã hội

08/07/2021 - 09:05

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TP.Sa Đéc và huyện Châu Thành áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời đẩy mạnh việc cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tăng giá hay thiếu nguồn hàng cung ứng...

A A

Chợ Sa Đéc vẫn hoạt động bình thường để đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân

Hiện nay, trên địa bàn TP.Sa Đéc có 2 hệ thống siêu thị là Co.opmart và Vinmart; 5 hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh; 5 cửa hàng tiện ích và khoảng 6 chợ truyền thống... Với những hệ thống chợ, siêu thị sẵn có, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như gạo, mì gói, dầu ăn, nước uống với giá cả ổn định. Đồng thời bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp, hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục cho người dân. Bên cạnh đó, các ngành hữu quan cũng rà soát, lập danh sách các khu vực bị cách ly, cập nhật thường xuyên số lượng người, nhu cầu về nhu yếu phẩm của Nhân dân. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bán lên cao bất hợp lý.

Ngoài ra, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.Sa Đéc cũng có kế hoạch sản xuất, phương án dự trữ hàng hóa, điều phối, vận chuyển nhằm đảm bảo kịp thời cung ứng sản phẩm cho Nhân dân. Bà Lê Thị Hồng - Trưởng Ban Quản lý chợ Sa Đéc cho biết: “Hiện tại, hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tại các chợ khá dồi dào với giá cả ổn định. Mặt khác, Ban Quản lý chợ cũng triển khai công tác phòng, chống dịch đến các tiểu thương, người dân tham gia mua sắm...”.

Những ngày qua, tại Siêu thị Co.opmart Sa Đéc, sức mua sắm các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm vẫn diễn ra bình thường, người dân không mua sắm ồ ạt, tích trữ hàng hóa. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong siêu thị luôn đầy đủ đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.

Theo Siêu thị Co.opmart Sa Đéc, hiện nay, nhằm đảm bảo cung ứng cho người dân, đơn vị chủ động nguồn hàng dự trữ và thường xuyên bổ sung thêm các mặt hàng thiết yếu. Trong thời gian TP.Sa Đéc thực hiện giãn cách xã hội, số lượng đơn hàng trực tuyến tại đơn vị tăng rất nhiều so với ngày thường. Trước tình hình này, đơn vị quán triệt đến toàn bộ nhân viên, người lao động phải đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm tại nhà của người dân. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt quá trình làm việc tại siêu thị và giao hàng...

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng nguồn hàng hóa trên địa bàn thành phố đang rất phong phú, dồi đào, giá cả ổn định. Địa phương cùng với các cấp, các ngành nỗ lực vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ mọi nhu cầu của người dân trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa; vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn quản lý bán hàng bình ổn, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu... Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền công tác bán hàng qua kênh thương mại điện tử, qua điện thoại nhằm hạn chế việc mua sắm, tập trung đông người, tránh lây lan dịch bệnh.

Từ ngày 2-7, huyện Châu Thành cũng thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 14 ngày. Theo UBND huyện Châu Thành, hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh tạp hóa, thực phẩm thiết yếu; 4 cửa hàng Bách Hóa Xanh; 8 cửa hàng tự chọn tại các địa phương; 1 chợ hạng 1; 1 chợ hạng 2; 13 chợ hạng 3. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có trên 40 nhà máy xay xát lau bóng gạo.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, người dân trên địa bàn huyện đi mua hàng hóa tăng mạnh, tuy nhiên không có tình trạng sốt giá, khan hiếm hàng hóa. Các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa tại địa phương chủ động nguồn hàng thiết yếu dồi dào, đủ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo UBND huyện Châu Thành, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, địa phương phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống chợ, cửa hàng thương mại, các nhà phân phối nhu yếu phẩm trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao trong hệ thống phân phối để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn hàng phục vụ. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương để nắm chắc nguồn cung cấp hàng hóa, đẩy mạnh kết nối, kêu gọi hỗ trợ đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn huyện...

Theo TRANG HUỲNH (Báo Đồng Tháp)