Đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp trái xoài Đồng Tháp bảo quản được lâu hơn, thuận lợi để xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Hiểu rõ những khó khăn của ngành nông nghiệp, vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch về thực hiện các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chuỗi ngành hàng rau quả chủ lực tỉnh Đồng Tháp. Trong đó chú trọng đầu tư nguồn lực vào ứng dụng công nghệ hiện đại để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện.
Để tạo tiền đề cho ngành công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả phát triển, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển ngành nông nghiệp theo chiều sâu. Nhiều vùng chuyên canh cây nông nghiệp như: xoài, nhãn, chanh, mít, lúa... được sản xuất theo quy trình VietGAP, GloBalGAP, sản xuất an toàn được hình thành. Đồng thời nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, sự chung sức của nông dân mà nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Đồng Tháp đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Nga, Trung Đông... Đây là những tiền đề quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả của tỉnh tạo đột phá trong tương lai.
Song song với việc chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến ở nông thôn. Một trong nhiều chương trình tạo được “cú hích” lớn cho ngành công nghiệp nông thôn phát triển mạnh trong những năm qua phải kể đến chương trình hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ chính sách khuyến công do Sở Công Thương xây dựng và triển khai thực hiện. Thông qua việc hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã góp phần giúp nhiều sản phẩm của DN được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khó tính của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chính nhờ những chương trình và chính sách hỗ trợ mà liên tục nhiều năm qua, các sản phẩm của DN tỉnh nhà được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm được chứng nhận OCOP hằng năm đều tăng cao so với những năm trước đó. Việc đẩy mạnh chế biến là một trong những “chìa khóa” quan trọng giúp Đồng Tháp khai thác hiệu quả tiềm năng mà ngành nông nghiệp mang lại.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Mặc dù hằng năm, số lượng cơ sở chế biến nông sản tăng nhưng phần lớn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều cơ sở đủ nguồn lực để đầu tư máy móc và công nghệ hiện đại vào các khâu sơ chế, bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Điều này đã phần nào khiến cho một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Đồng Tháp chưa khai thác hết giá trị. Do hạn chế trong việc đầu tư công nghệ, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh chỉ được xuất khẩu sang một số thị trường lân cận mà chưa thể xuất khẩu với sản lượng nhiều hơn ở các thị trường tiềm năng mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn này, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng nhiều chương trình hành động, trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tham mưu xây dựng đề án tổng thể phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng rau quả chủ lực của tỉnh qua các giai đoạn; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khuyến công để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả. Đồng thời phối hợp các cấp, ngành liên quan xây dựng hệ thống thông tin minh bạch và dự báo về sản xuất, tiêu thụ nông sản để các tác nhân trong chuỗi cập nhật kịp thời thông tin nhu cầu thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn để kết nối tiêu thụ hàng hóa từ kênh tiêu thụ trong nước đến xuất khẩu...
Để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các chương trình hỗ trợ tích cực ngành chế biến và bảo quản rau quả, Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh xem xét việc sớm áp dụng chính sách khuyến công hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị đối với khâu sơ chế, phân loại, chiếu xạ, đóng gói, bảo quản rau quả tươi. Nếu chính sách mới này được triển khai, sẽ là tiền đề quan trọng để ngành chế biến và bảo quản rau quả tỉnh nhà khai thác được hết những tiềm năng và lợi thế của mình, cũng như là bước đệm quan trọng để sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm công nghiệp chế biến của tỉnh vươn xa hơn đến nhiều thị trường tiềm năng.
Theo Báo Đồng Tháp