Nông dân xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười thu hoạch gương sen (Ảnh: Mỹ Nhân)
Tạo đòn bẩy cho ngành hàng sen
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hướng đến phát triển ngành hàng sen bền vững, đơn vị phối hợp UBND cấp huyện thực hiện rà soát, quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen quy mô lớn, tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho một số ngành nghề liên quan như: công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ... Tính đến nay, diện tích trồng sen của tỉnh đạt 1.100ha (đạt 110% so với kế hoạch đến năm 2024); sản lượng sen gương ước đạt 12.200 tấn. Giá trị sản xuất ước cả năm 2024 đạt 39,2 tỷ đồng, tăng 312,6% so với năm 2021.
Thời gian qua, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất sen từng bước được đầu tư, ứng dụng, các công đoạn làm đất (cày, xới), bón phân, phun thuốc được cơ giới hóa. Dựa trên định hướng quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen quy mô lớn, tập trung, từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, định hướng triển khai thực hiện các mô hình chuyên canh sen, sen - cá, sen - lúa... kết hợp du lịch.
Đảm bảo đầu ra được thuận lợi, tỉnh quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ sen. Theo đó, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh sử dụng Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, hỗ trợ cấp tài khoản cho 66 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng hệ thống để nhập thông tin tạo mã QR truy xuất nguồn gốc cho 356 sản phẩm, trong đó có các sản phẩm từ sen như sen lụa khô, trà tim sen, trà lá sen, tàu kủ ky sen hồng, hoa sen sấy khô...
Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công thương, các đơn vị có liên quan giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán nông nghiệp tham dự hoạt động kết nối cung cầu để tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Ngoài các kênh truyền thống còn hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, có hơn 50 sản phẩm từ sen có mặt trên các sàn thương mại điện tử.
Tạo đòn bẩy quan trọng để phát triển ngành hàng sen theo chiều sâu, công tác chuẩn hóa về giống, quy trình kỹ thuật canh tác được quan tâm thực hiện. Đối với nguồn giống, bước đầu chọn được một số giống sen chuyên hoa, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên của tỉnh như: Bách diệp hồng, Super, Quan âm trắng... Đồng thời đẩy mạnh công tác thực hiện lưu trữ, nhân giống, trồng khảo sát các giống sen tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại đã nhân giống đủ số lượng 1.000 chậu với 50 chủng loại giống theo mã code tiếp nhận.
Để chuẩn hóa về quy trình kỹ thuật canh tác, ngành nông nghiệp thực hiện biên soạn và lấy ý kiến đóng góp Quy trình canh tác sen chuyển đổi sang hữu cơ, đang thí điểm tại Mô hình điểm quy mô 20ha/7 hộ tham gia chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười. Bước đầu cho thấy, các biện pháp kỹ thuật của quy trình cho hiệu quả khá tốt trong việc quản lý dịch bệnh thối ngó, cháy lá trên sen.
Đáng chú ý, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xây dựng được nhiều mô hình trồng sen bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể như: xây dựng và hoàn thiện mô hình điểm quy mô 100ha chuyển đổi sản xuất hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm; xây dựng và hoàn thiện các mô hình canh tác sen (chuyên canh sen, sen - cá, sen - lúa...) chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm... Các mô hình bước đầu tạo thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng sản xuất truyền thống. Đáng chú ý, mô hình góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng...
Phát triển ngành hàng theo chiều sâu
Phát huy sức mạnh tập thể để phát triển ngành hàng này, các thành viên cùng chí hướng thành lập Hội ngành hàng sen tỉnh. Đồng thời có 6 tổ hợp tác ngành hàng sen hoạt động dịch vụ trồng và sơ chế hạt sen và có 2 hội quán ngành hàng sen. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở, doanh nghiệp, sản xuất đa dạng các sản phẩm từ các bộ phận của cây sen. Theo Sở NN&PTNT, việc liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu hình thành một số hợp đồng liên kết theo hướng bền vững từ việc phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện có 56 sản phẩm OCOP làm từ sen của 22 chủ thể. Đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Tháp” cho 4 sản phẩm từ sen nhằm duy trì và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, góp phần quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp.
Khai thác giá trị từ cây trồng này, thời gian qua, các doanh nghiệp đẩy mạnh khâu chế biến. Ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành) chia sẻ, với nguồn nguyên liệu dồi dào, tôi bắt tay vào sản xuất hạt sen sấy theo chương trình OCOP. Từ nỗ lực của đơn vị cùng sự hỗ trợ của các ngành hữu quan, sản phẩm hạt sen sấy của công ty được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Chứng nhận này giúp sản phẩm sen sấy mở rộng thị trường, góp phần vào hành trình xây dựng hình ảnh quê hương Đồng Tháp.
Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cho cây sen được quan tâm. Theo đó, thực hiện kết nối liên kết Công ty CP thực phẩm Sen Đại Việt và Tổ hợp tác sen Mỹ Điền (xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) để thương thảo liên kết tiêu thụ; kết nối liên kết Công ty CP chế biến thực phẩm Miền Tây và các tổ hợp tác, nhóm nông dân trồng sen trên địa bàn huyện Tháp Mười để trao đổi về hợp tác thu mua sản phẩm hạt sen. Đồng thời, Hội ngành hàng sen tỉnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong trong các lĩnh vực: tour du lịch sen, phát huy ẩm thực sen thúc đẩy thương mại sản phẩm.
Đặc biệt, Đồng Tháp còn đẩy mạnh sản xuất sen gắn với phát triển văn hóa, du lịch. Theo đó, tỉnh xác định vùng trồng sen tại Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, tiếp giáp với Khu di tích Gò Tháp là nơi thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống. Hiện nay, vùng trồng sen với diện tích khoảng 152ha, tại Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười có 9 điểm du lịch sen thuộc 3 xã: Mỹ Hòa, Trường Xuân và Tân Kiều.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành hàng sen vẫn còn gặp một số khó khăn khi bộ giống sen còn ít, kỹ thuật canh tác của người dân phần lớn dựa vào kinh nghiệm, tình hình dịch bệnh trên cây sen chưa được khống chế triệt để. Những mô hình sản xuất kết hợp với du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư, làm mới; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi chưa cao; số lượng và năng lực hoạt động của tổ hợp tác, hội quán còn hạn chế...
Trước những thuận lợi và khó khăn đó, mục tiêu đề ra đến năm 2025 là phát triển ngành hàng sen hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bền vững. Đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích năm 2025 khoảng 1.400ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn. Tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh dự án thí điểm 100ha vùng trồng tại Tháp Mười để đưa ra được giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất. Đồng thời phát triển thêm ít nhất 11 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm chiết xuất từ sen. Xây dựng và hoàn thiện ít nhất 3 mô hình canh tác sen an toàn, chuyển đổi sang hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện phát triển ngành hàng sen hướng theo mục tiêu giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến, mở rộng thị trường. Trên tinh thần đó, tỉnh tập trung những giải pháp như: thực hiện quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen tập trung, đủ điều kiện an toàn, quy mô lớn nhằm đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, du lịch... Đồng thời thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói của các doanh nghiệp phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ sen, hoàn thiện quy trình canh tác sen bền vững...
Theo Y DU (Báo Đồng Tháp)