Đồng Tháp: Đôi điều về tập thơ “sen” thứ tư của nhà thơ Hữu Nhân

27/09/2022 - 15:17

Đó là tập thơ “Rực mãi những mùa sen” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp quyết định xuất bản và ra đời vào đầu tháng 9/2022 và cũng là tập thơ thứ tư chuyên về đề tài “sen” của nhà thơ Hữu Nhân (sau “Tôi, em & sen” - 2018; “Sau những mùa sen” - 2019; “Thành phố - những mùa sen” - 2021).

A A

Ảnh: V.THOẠI

Như lần giới thiệu tập thơ về “sen” thứ 3 (“Thành phố - những mùa sen”), tôi có nói, đại ý, nhà thơ Hữu Nhân là người làm thơ về “sen” nhiều nhất ở Đồng Tháp và vùng đồng bằng sông Cửu Long, nếu không muốn nói ở phạm vi cả nước. Với tập thơ thứ 4 này, nhận định trên càng được khẳng định một cách chắc chắn bằng cơ sở thực tiễn cụ thể, sinh động. Ở bài viết nhỏ này, xin nói thêm, “chuyên canh” (và “độc canh”) về một đề tài, nhất là đề tài lớn: hoa sen - biểu trưng của Đồng Tháp - miền Đất Sen hồng là một việc làm không dễ đối với người sáng tác văn chương nói chung, làm thơ nói riêng. Bởi nếu không đủ bản lĩnh và “cao thủ”, chắc chắn sẽ đi vào con đường nhàm, lặp, nhất là tần suất xuất hiện của thể lục bát rất dày, khiến người đọc có thể bị bảo hòa cảm xúc và phẩm chất đồng sáng tạo. Rất may, theo tôi, nhà thơ Hữu Nhân đã cơ bản tránh được điều đó: tập thơ sau vẫn khơi gợi những mới mẻ so với tập thơ trước. Đây là thành công lớn nhất về mặt thi pháp của Hữu Nhân.

“Rực mãi những mùa sen” gồm 77 bài với nhiều thể loại thơ khác nhau như: thơ tự do, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ... nhưng đa số là lục bát - vốn là thế mạnh của Hữu Nhân khi viết về “sen” (như tập đầu tiên: “Tôi, em & sen” là toàn lục bát). Giọng điệu và ý tưởng chủ đạo của tập thơ vẫn là tôn vinh, ca ngợi, chiêm nghiệm, trao gửi, dự báo... về “sen” và từ “sen”, mở rộng phạm vi ra cả cuộc đời, con người, vùng đất... dưới ánh sáng vẻ đẹp lung linh của chân, thiện, mỹ. Ở bài viết này, chỉ xin nêu đôi điều cảm nhận đầu tiên về tập thơ “Rực mãi những mùa sen”. Những điều khác, xin đề cập trong những lần tiếp cận, khám phá sau.

Thứ nhất là tên tập thơ (chọn từ tên một bài thơ trong tập). “Rực mãi những mùa sen” là một mệnh đề mang tính khẳng định, có thể diễn xuôi: Tất cả những mùa sen ở xứ sở này không bao giờ nhạt phai, không bao giờ tàn mà ngược lại, mãi mãi rực rỡ, không ngừng khoe sắc hương. Điều này, trong thực tiễn là trái quy luật. “Sen tàn, cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, Đông đà sang Xuân”, Nguyễn Du đã viết trong “Truyện Kiều” như vậy. Nhưng đây là một ẩn dụ mang tính tôn vinh mà ý tưởng sâu sắc nó khơi gợi là: Ở miền Đất Sen hồng này, “sen” chính là biểu tượng của sự trường tồn, kế thừa, phát triển, là màu sắc luôn tươi mới, rực rỡ, mãi vẫy gọi con người vươn lên chiếm lĩnh những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống của mình. “Rực mãi những mùa sen” chính là rực mãi những niềm tin yêu, tự hào, dâng hiến... của đất và người miền Đất Sen hồng như mấy dòng trong bài thơ cùng tên nói trên mà nhà thơ Hữu Nhân đã viết: “sau bao nhiêu những thình lình/vẫn trong trẻo nắng vẫn lung linh trời - sen ban cho cả một trời/sá gì chẳng chịu rong chơi đến cùng!”...

Thứ hai, tập thơ ánh lên vẻ đẹp của sự chiêm nghiệm thế sự và tình đời sâu sắc, là những bài học nhân sinh cụ thể, sinh động, thiết thực, được rút ra từ hình ảnh thơ: “sen”. Chỉ tên những bài thơ theo ý tưởng này thôi, cũng có thể nêu ví dụ bằng một danh sách không ngắn: “Bài học từ sen”; “Không ai dạy mình bằng sen”; “Soi mình vào gương sen”; “Ngắm mình qua sen”; “Ru sen là hát ru mình”; “Tìm nhau trong sen”; “Nép mình”...

 Trong bài thơ đầu tiên - “Sen trở lại sau một lần rủ lá” - Hữu Nhân đã kết bằng một chiêm nghiệm, ngỡ là phi lý nhưng hoàn toàn có thật, tồn tại trong hai mặt đối lập của mối quan hệ biện chứng: “em về trời đất sáng bừng/cho ta thêm rõ trầm luân đời mình”. Bài học mà bài thơ “Hò hẹn với trăm năm” rút ra là cái muôn năm có khi được làm nên từ một khoảnh khắc và sự đầy đặn, lành lặn cũng có thể tồn tại giữa những khiếm khuyết, hư hao: “có thể mình chỉ một sáng nay thôi/nhưng trăm năm đã trở thành hò hẹn/giữa bao điều tưởng chừng chưa trọn vẹn/em trở về lành lặn vết thương xưa”. Có những cái “chớm” (tên bài thơ áp chót) nhưng đã làm nên những lan tỏa trái chiều trong một “nỗi đau dễ chịu”: “Thu đã chớm/sớm dại khờ/thương nhau hết/vết thương hờ hững đau”...

Thứ ba, khác với các tập thơ trước, trong “Rực mãi những mùa sen”, Hữu Nhân đã có nhiều hơn những bài thơ, câu thơ viết về chính mình một cách đầy “gan ruột” và “nhức nhối” như: “Có một mình nửa đêm mới nhận ra nhiều thứ”; “Cần có lúc phải biết mình”: “Viết cho tuổi năm lăm”; “Ta tội nghiệp cho nghiệp mình”; “Ta chỉ có thơ vớt vát mình”... Tôi đọc thơ Hữu Nhân gần như hầu hết những tác phẩm được anh công bố (xuất bản thành sách hay trên các nền tảng số) nên đến “Rực mãi những mùa sen” thì cảm nhận nói trên bừng lên một cách rõ rệt và có căn cứ đáng tin nhất. Cần nói thêm rằng, nhà thơ viết về mình, bộc lộ cái tôi bản thể, tưởng là “chuyện nhỏ” nhưng với kinh nghiệm của người làm thơ, tôi cho rằng, hoàn toàn không dễ chút nào. Viết không khéo, sẽ có ít nhất hai thái cực xuất hiện: 1. Tự ca ngợi mình một cách thái quá, lố bịch. 2. Chì chiết mình khắt khe, cay nghiệt. Rất may, Hữu Nhân đã không rơi vào hai tình huống trên, ít nhất là trong “Rực mãi những mùa sen”. Những bài thơ “tự kiểm”, “tự vấn”... của anh hết sức chân thành và giàu sức khơi gợi, lan tỏa, người đọc có thể thấy mình trong đó.

Trong bài thơ “Cần có lúc phải biết mình”, Hữu Nhân đã viết “tự kiểm” một cách rất “say” và rất thơ: “Có những lúc ta biết mình đã lỡ/Sau bao lần quá độ vung tay/May còn em và mấy phen chống đỡ/Câu thơ tình không rượu ngật ngà say”. Bài thơ “Thơ viết quá nửa đêm” không chỉ là tuyên ngôn về sự lao động nghiêm túc của “nghề làm thơ” mà sâu sắc hơn, còn là những “tự vấn” và sám hối về số phận và cuộc đời: “ta lục gần ta tìm xa/ta vô tích sự ta nhà thơ sao?/ta tự tôn ta tự cao/tự mình té ngã rồi đau điếng mình”. Tôi rất ấn tượng và thích hình ảnh “hạ càng” trong bài thơ cùng tên và triết lý “buông bỏ” mà nó đưa ra: “hạ thôi/rồi phải hạ thôi/sao bao chen chúc với đời lấn chen/ai yêu thương ai ghét ghen/hạ càng bỏ lại nhẹ tênh oán hờn”...

Hữu Nhân là một trong những nhà thơ tiêu biểu của Đồng Tháp và là cây bút “độc nhất vô nhị” làm thơ về “sen” với số lượng và tần suất kỷ lục. Rất mừng với “Rực mãi những mùa sen” đang còn nồng mùi mực in. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Theo Báo Đồng Tháp