Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Mỗi năm, tỉnh Đồng Tháp có tổng đàn vịt gần 7 triệu con, nhiều nhất so với các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngành chăn nuôi vịt là một trong năm ngành hàng được tỉnh lựa chọn trong phát triển Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi vịt ước đạt hơn 1.019 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2017. Hai tháng đầu năm 2021, tổng đàn vịt của tỉnh phát triển gần 4 triệu con.
Nuôi vịt ở Đồng Tháp tập trung nhiều nhất ở các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười và Hồng Ngự. Hằng năm, ngành hàng vịt của tỉnh cho sản lượng trên 273 triệu trứng và sản lượng thịt hơi xấp xỉ 9.000 tấn/năm.
Giống vịt chủ yếu là vịt TC (Cổ Cò) - giống chuyên đẻ trứng - chiếm hơn 90%.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vịt đang là điểm nghẽn lớn nhất mà địa phương phải đối mặt. Khi bắt tay vào tái cơ cấu ngành hàng, ngành nông nghiệp phải đương đầu với nhiều bài toán khó khăn như làm thế nào để quản lý dịch bệnh cho đàn vật nuôi khi đàn vịt di chuyển liên tục từ cánh đồng này sang cánh đồng khác; giải pháp nào để những người nuôi vịt đã quen cuộc sống “du mục” có thể cùng ngồi lại với nhau để “làm ăn lớn”; rồi chuyện tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm trứng vịt...
Ông Phan Văn Mỹ ở xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, người nuôi vịt chạy đồng hơn 10 năm nay, cho biết việc đổi sang phương thức nuôi vịt rọ sẽ hiệu quả hơn vì nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, có liên kết-tiêu thụ, cũng như tham gia vào các chuỗi truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, sản lượng và chất lượng sản phẩm ổn định hơn vì có thị trường tiêu thụ bền vững.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến nay tỉnh đã thành lập 5 tổ hợp tác chăn nuôi vịt rọ với 25 thành viên, tổng đàn nuôi hơn 150.000 con.
Các cơ sở gia cầm tập trung có hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi.
Đồng thời, các cơ sở liên kết với các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi và Công ty Vĩnh Thành Đạt thu mua trứng vịt. Từ đó, chi phí đầu vào giảm, chất lượng trứng tốt nên giá bán sản phẩm cao hơn từ 150-250 đồng/quả trứng so với các nông hộ nuôi vịt chạy đồng hoặc không có liên kết sản xuất-tiêu thụ.
Trong số đó, cơ sở Út Mới đạt chuẩn GAP, được Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cấp mã truy xuất nguồn gốc khi vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở đang cung cấp bình quân hơn 456.000 quả trứng/tháng vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Vừa qua, Công ty cổ phần Ba Huân cũng cam kết sẽ đồng hành cùng nông dân Đồng Tháp trong xây dựng và thực hiện chuỗi liên kết ngành hàng vịt, chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sinh học. Sản phẩm trứng vịt của Đồng Tháp sẽ có mặt tại các kênh phân phối và tiêu thụ trứng vịt của Công ty cổ phần Ba Huân trên khắp cả nước.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện với quy mô trang trại, giảm quy mô nuôi nhỏ lẻ, củng cố hoàn thiện các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi vịt hiện có.
Với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi vịt thành một ngành sản xuất chiến lược của tỉnh, có quy mô lớn, tập trung, bền vững, khai thác hết phụ phẩm tạo ra giá trị gia tăng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Đồng Tháp sẽ phát triển hình thức nuôi tập trung khép kín, chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo về quy mô, chất lượng, an toàn dịch bệnh, đưa giá trị ngành hàng ngày càng phát triển và tổng đàn đạt từ 6-7 triệu con./.
Theo NGUYỄN VĂN TRÍ (TTXVN/Vietnam+)