Đồng Tháp: Huyện Tam Nông nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng về sản phẩm và giá trị

27/10/2022 - 15:30

Các cấp ủy, chính quyền của huyện Tam Nông đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện có trọng tâm nhiệm vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) theo đúng yêu cầu thực tế.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm bước đầu mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Ảnh: Nhật Nam

Theo UBND huyện Tam Nông, những tháng đầu năm, kinh tế của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được duy trì sản lượng, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng về sản phẩm và giá trị. Trong đó, thực hiện cánh đồng lớn với diện tích 56.633ha, đạt 116% kế hoạch. Huyện cũng tập trung triển khai các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp như: mô hình ứng dụng thiết bị bay trong phun xịt thuốc, giống, bón phân và ứng dụng phần mềm ghi chép nhật ký đồng ruộng bằng smartphone; lắp đặt trạm kiểm soát sâu rầy thông minh, gắn với liên kết tiêu thụ; thực hiện tốt công tác quản lý và phòng, trị dịch bệnh gây hại và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sản xuất lúa an toàn gắn liên kết tiêu thụ và kết hợp chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước...; sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) với tổng diện tích trên 4.221ha/2.882 hộ (đạt 96,22% kế hoạch).

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện các dự án, mô hình khuyến nông theo đúng định hướng Đề án TCCNNN như: mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ, mô hình sản xuất lúa giống áp dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ và nuôi trữ cá, quy mô 100ha ở xã Phú Cường và Tân Công Sính; mô hình sản xuất lúa chất lượng (giống lúa OM 18, Đài Thơm 8), ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ; phối hợp Công ty CP Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến thực hiện thí điểm mô hình trồng bắp...

UBND huyện tiếp tục phối hợp các địa phương trong việc triển khai kế hoạch, kịp thời hỗ trợ các chủ thể rà soát, thực hiện trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn để được đánh giá, xét công nhận đạt sản phẩm OCOP năm 2022 theo đúng quy định. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1/2022, kết quả, huyện có 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là Bột sữa hạt sen của Công ty TNHH MTV Ba Tre, xã Phú Cường (sản phẩm đề nghị công nhận lại của năm 2019). Đối với các sản phẩm tham gia đánh giá đợt 2, huyện đã tổ chức đánh giá 11 sản phẩm/8 chủ thể, kết quả: có 10/11 sản phẩm đạt 50 điểm trở lên, đủ điều kiện đề nghị tỉnh xét công nhận đạt OCOP 3 sao (trong đó có 2 sản phẩm đề nghị công nhận lại của năm 2019).

Huyện Tam Nông cũng tập trung công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất trong xây dựng NTM - đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại. Hiện toàn huyện có 7/11 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 1/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao). Đến nay, hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến đường huyện phần lớn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, tạo điều kiện thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn toàn huyện đạt trên 98%; 7/11 xã hoàn thành Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã; 11/11 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư; các công trình thủy lợi, trường học, chợ được quan tâm đầu tư. Ngoài ra, huyện cũng tập trung nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn...

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung thực hiện tốt Đề án TCCNNN gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, có trọng tâm trọng điểm nhằm phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; tổ chức rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng xã và xây dựng quy hoạch huyện NTM. Huyện cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng chất lượng, đi vào chiều sâu; duy trì, phát triển mô hình cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất giảm giá thành sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần tăng chất lượng và tính cạnh tranh hàng hóa nông sản. Đồng thời định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP... gắn với liên kết tiêu thụ; nghiên cứu và tham mưu triển khai đạt hiệu quả các chính sách trong nông nghiệp để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...”.

Theo Báo Đồng Tháp