Quang cảnh hội nghị
Tại buổi nói chuyện, đại biểu được Tiến sĩ Lê Ngọc Phương - giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh chia sẻ về nội dung, ý nghĩa của Đề cương Văn hóa Việt Nam. Theo đó, Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào tháng 2/1943, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đề cương đặt ra vấn đề xây dựng văn hóa Việt Nam, bản sắc tiên tiến, hiện đại, khoa học. Những định hướng đó là kim chỉ nam cho việc phát triển văn hóa đến hôm nay.
Tiến sĩ Lê Ngọc Phương còn trình bày vấn đề văn hóa đọc hiện nay, lý giải vì sao cần đọc sách, đọc như thế nào. Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Phương, để phát triển văn hóa đọc cần xây dựng hệ thống thư viện chất lượng, đảm bảo các đầu sách, tư liệu điện tử; phát triển thư viện, nhà sách ở khu vực nông thôn. Việc đọc sách rất bổ ích, giúp trau dồi kiến thức, rèn luyện tư duy, làm phong phú vốn từ, giảm căng thẳng. Mọi người đọc nên chọn những quyển sách phù hợp với mình, xây dựng thói quen đọc, lúc đọc sách phải tĩnh tâm, phản biện, ghi chép.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Đồng Tháp lần thứ 2 năm 2023, qua đó tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Dịp này, Thư viện tỉnh tổ chức trao giải 2 cuộc thi: “Góc ảnh đẹp Thư viện” và “Cảm nhận Sách và Cuộc sống”.
Theo MỸ XUYÊN (Báo Đồng Tháp)