Đồng Tháp: Phát huy chức năng sinh hoạt văn hóa ở đình làng

27/10/2022 - 15:31

Các ngành chức năng tỉnh và huyện, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị đình làng trên địa bàn, nhất là phát huy chức năng sinh hoạt văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương.

Đình Long Khánh - xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Ảnh: N.Tâm

Theo một số tài liệu, từ xa xưa, đình vốn là trụ sở hành chính của làng, nơi hội họp dân làng, làm việc và phân xử các tranh chấp trong làng của chức việc hương thôn; nơi thể hiện sức mạnh tinh thần của dân làng. Tùy vào hoàn cảnh, phong tục tập quán lâu đời của từng làng mà người dân đưa ra những quy định chung về hương ước, quy ước để cùng tự giác thực hiện. Từ đó, đình làng dần trở thành nơi cân bằng phép tắc, duy trì công lý và tình người trên tinh thần tương thân, tương ái. Vì thế, có thể nói, đình là thành lũy của từng làng, làng là thành lũy của cả nước.

Ngày nay, hoạt động quản lý hành chính có sự thay đổi nhiều so với trước, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, hầu hết các vấn đề xã hội ở địa phương đều được giải quyết tại UBND cấp xã nên vai trò, chức năng hành chính của đình làng không còn thể hiện rõ như trước đây. Cũng như đình làng Nam bộ, đình làng ở tỉnh Đồng Tháp thường có không gian rộng rãi, thoáng mát, nhưng nhiều địa phương chưa tận dụng được cơ sở vật chất này để sinh hoạt trong khi trụ sở Ban nhân dân ấp hoặc Văn phòng ấp chưa được xây dựng, nhiều hoạt động cộng đồng phải mượn nhà dân. Nhằm tiếp tục phát huy chức năng hành chính của đình làng trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương có thể đưa các nội dung như: họp bình xét các danh hiệu văn hóa; lấy ý kiến Nhân dân trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, triển khai thực hiện Quy ước khóm, ấp; sinh hoạt định kỳ Hội quán; hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở... vào đình làng để thực hiện.

Ngoài chức năng hành chính như đã nói trên, đình làng tiếp tục phát huy chức năng sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn. Trong hoạt động đình làng, nếu thờ cúng Thần Thành Hoàng là chức năng tín ngưỡng - “phần lễ” thì “phần hội” chính là chức năng sinh hoạt văn hóa. Phần hội là phần sôi động và vui tươi nhất trong dịp cúng đình nên người dân tham gia rất đông, mọi người ăn mặc chỉnh tề, trang nghiêm để tham gia từ diễn tuồng đến các trò chơi dân gian. Đồng thời thể hiện lòng tôn kính, biết ơn các vị phúc thần và các bậc tiền nhân có nhiều công lao đóng góp cho quê hương, đất nước và vùng đất bản địa. Tiếp tục phát huy chức năng sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đình làng, Ban Tế tự các đình làng phối hợp với đơn vị hữu quan tổ chức nhiều hoạt động như: trò chơi dân gian, hát bội, đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp... Nổi bật là các hoạt động ngoại khóa “về nguồn”, giáo dục phổ biến kiến thức lĩnh vực di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên; trưng bày giới thiệu sách... phù hợp với văn hóa truyền thống địa phương, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tỉnh đã ban hành Đề án phát huy giá trị đình làng trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, nhằm phát huy tốt 3 chức năng chính của đình làng: Tín ngưỡng dân gian, hành chính, sinh hoạt văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương. Các ngôi đình tiêu biểu sẽ được biên soạn lược sử và kết nối với các tour, tuyến du lịch để thu hút du khách đến với loại hình kiến trúc - nghệ thuật đặc sắc này. Đề án phát huy giá trị đình làng cũng được nghiên cứu, lồng ghép một số nội dung vào đề án, chương trình, kế hoạch quan trọng: Đề án Phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Theo Báo Đồng Tháp