Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phân tích, tỉnh Đồng Tháp hiện có đến 65% dân số đang sống ở khu vực nông thôn. Trong đó, nông dân chiếm 90% và lao động trong nông nghiệp chiếm 53% tổng lao động xã hội (cả nước là 48%). Mặc dù là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, tuy nhiên nông dân lại không có nhiều điều kiện để tiếp cận được khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kiến thức thị trường.
Sở NN&PTNT chỉ ra một số nguyên nhân khiến nông dân còn chậm tiến, lạc hậu là do nông dân không chủ động được thị trường, thị trường luôn biến động, sản xuất không theo cung cầu; thiếu kiến thức, kỹ năng; không được nhà nước hỗ trợ, hoặc hỗ trợ không kịp thời; sự khắc nghiệt của thiên tai, biến đổi khí hậu… Do đó, việc xây dựng một đề án về hỗ trợ, trang bị tri thức cho lực lượng nông dân là vấn đề bức thiết.
Ngành nông nghiệp cũng đề xuất, cần ưu tiên đào tạo cho các đối tượng như: bí thư chi bộ ấp, thủ lĩnh thanh niên khởi nghiệp, giám đốc trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, chủ nhiệm Hội quán, giám đốc các hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại, nông dân tiên tiến.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất và cho rằng, ý tưởng triển khai đào tạo tri thức cho người nông dân là một ý tưởng táo bạo và vô cùng cần thiết cho việc phát triển nền nông nghiệp bền vững của tỉnh nhà trong tương lai. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất nội dung tập huấn phải dễ hiểu, gần gũi với nông dân.
Để đề án triển khai hiệu quả, một số đại biểu cho rằng, cần phải tạo sự thông suốt về chủ trương trong toàn thể hệ thống chính trị. Đồng thời, để chương trình đào tạo hiệu quả cần chia các nhóm đối tượng đào tạo cụ thể, từng nhóm đối tượng sẽ có từng chương trình đào tạo riêng. Cần có sự tham gia trực tiếp thông tin từ các đơn vị truyền thông, trực tiếp trên đài truyền hình ở các chuyên đề thời sự cần thiết đối với người nông dân.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, người nông dân phải có tri thức
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Văn Dương đề nghị, trong thời gian tới nên giảm hội họp, cán bộ, lãnh đạo các ngành cần phải đi xuống làng, xã và gần gũi với bà con nông dân nhiều hơn. Sau kỳ họp này cần có sự trao đổi giữa các ngành liên quan và các chuyên gia, để xây dựng bộ tài liệu đào tạo với nội dung bám sát tình hình sản xuất thực tế của người dân. Theo tinh thần tài liệu đào tạo phải dễ hiểu, dễ làm, gần gũi, tạo cảm hứng học tập cho nông dân. Chương trình đào tạo sẽ ưu tiên cho các đối tượng nông dân có mong muốn tự thay đổi và đột phá. Phải xem nông dân và nông nghiệp là động lực chính để xây dựng, phát triển kinh tế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay có một thực trạng ở nông thôn là những người tham gia vào sản xuất nông nghiệp phần nhiều không được đào tạo và trang bị nhiều kiến thức. Vì vậy, nhà nước phải có trách nhiệm đào tạo tri thức, cung cấp đầy đủ các kiến thức cần thiết cho nông dân. Cần có một cuộc cách mạng tri thức cho người nông dân về phát triển nông nghiệp bền vững. Để làm được điều đó phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần có những chương trình hành động thiết thực bám sát tình hình thực tế địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị ngành nông nghiệp và các ngành liên quan phải xây dựng một tổ hợp về công nghệ thông tin, nhằm cung cấp thông tin kiến thức cho người nông dân về thông tin thị trường, vùng nguyên liệu sạch, vấn đề kinh tế hợp tác... để người dân có thể chủ động hơn trong việc sản xuất. Cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin thông qua các chương trình ứng dụng, hoặc trang tin điện tử nhằm truyền tải các thông tin và nội dung cho người dân biết và dễ tiếp cận.
Theo MỸ LÝ (Báo Đồng Tháp)