Với giá bán cỏ nhung là 28.000 đồng/m2, sau khi trừ chi phí, mỗi công đất (1.000m2) trồng cỏ nhung mang về lợi nhuận khoảng 14 triệu đồng/tháng.
Phụ nữ ấp Đông Quới có thêm thu nhập từ công việc trồng cỏ nhung thuê.
Một trong những người tiên phong trồng cỏ nhung ở ấp Đông Quới là bà Trang Thị Nga. Năm 2008, được sự giúp đỡ về kỹ thuật của người thân, bà Nga trồng thử nghiệm 1.000m2 cỏ nhung. Với giá bán thường xuyên giữ mức từ 35.000 - 40.000 đồng/m2, suốt nhiều năm, bà Nga “trúng đậm” từ việc trồng cỏ nhung. Năm 2010, bà mạnh dạn đốn bỏ vườn xoài rộng 3.000m2 và cải tạo để đầu tư trồng cỏ nhung.
Chu kỳ từ khi trồng đến xuất bán cỏ nhung chỉ 17 đến 30 ngày. Trung bình mỗi năm, cỏ nhung bán được 12 lần trở lên. Chi phí trồng mỗi mét vuông cỏ nhung (cỏ giống, vật tư nông nghiệp, tưới tiêu…) khoảng 14.000 đồng. Giá bán như hiện nay là 28.000 đồng/m2, sau khi trừ chi phí, mỗi công đất trồng cỏ nhung mang về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay một số giống cây khác. Cỏ nhung được tiêu thụ ở nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh…
Do đặc thù có nhiều phụ nữ làm nghề trồng cỏ nhung, năm 2016, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Khánh Đông đã thành lập Tổ hợp tác cỏ nhung ấp Đông Quới, có 17 thành viên, diện tích khoảng 5 ha. Hiện nay, Tổ hợp tác này phát triển lên 25 thành viên với 10 ha trồng cỏ nhung. Theo bà Trang Thị Nga, Tổ trưởng Tổ hợp tác cỏ nhung ấp Đông Quới, Tổ hợp tác này mang lại nhiều lợi ích cho thành viên như cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng cỏ nhung; thống nhất giá bán cỏ, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.
Các thành viên trồng cỏ vần công cho nhau nên giảm chi phí thuê nhân công. Cùng với đó, hằng tháng, thành viên góp vốn xoay vòng 500.000 đồng/người để giúp nhau mua vật tư nông nghiệp, lo cho con học tập…
Trong Tổ hợp tác cỏ nhung ấp Đông Quới có Đội bứng cỏ, Đội trồng cỏ và Đội vận chuyển cỏ. Ngoài phục vụ cho thành viên trong tổ, các đội này còn làm thuê cho những hộ trồng cỏ nhung khác. Nghề trồng cỏ nhung góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động, kể cả phụ nữ và người lớn tuổi. Dù đã 70 tuổi nhưng bà Đinh Thị Quý ở ấp Đông Quới vẫn có thu nhập 140.000 đồng/ngày từ việc trồng cỏ. Bà Đinh Thị Quý cho hay: “Công việc trồng cỏ nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của tôi và làm gần nhà, giúp có thêm thu nhập chi tiêu trong gia đình”.
Nhiều gia đình ở ấp Đông Quới phát triển kinh tế nhờ nghề trồng cỏ nhung. Chị Lê Tuyết Hồng, thành viên Tổ hợp tác cỏ nhung ấp Đông Quới chia sẻ, trước đây, không có đất sản xuất, sống chủ yếu bằng nghề làm mướn, gia đình chị là hộ cận nghèo. Năm 2016, chị Hồng mướn 1.000m2 đất để trồng cỏ nhung và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đến nay, phát triển lên 4.000m2, thời gian rảnh, chị đi bứng cỏ thuê, trung bình mỗi ngày được 250.000 đồng. Từ khi có nghề trồng cỏ nhung, gia đình chị Hồng đã thoát cảnh nghèo khó.
Bà Ngô Thúy Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Sa Đéc đánh giá, tổ hợp tác cỏ nhung ấp Đông Quới hoạt động rất hiệu quả. Các chị em trong tổ có sự liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất và tìm đầu ra tiêu thụ cỏ nhung. Mô hình trồng cỏ này giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống; phát huy nghề trồng hoa kiểng truyền thống của thành phố Sa Đéc. Với hiệu quả kinh tế mang lại, nghề trồng cỏ nhung phát triển mạnh ở ấp Đông Quới. Đến nay, toàn ấp có hàng trăm hộ trồng cỏ nhung với diện tích khoảng 23 ha.
Dù mang lại thu nhập khá hấp dẫn nhưng việc trồng cỏ nhung có chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao; đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật để phòng trị bệnh thối rễ, sâu ăn lá…
Năm qua, trong khoảng 4 tháng cao điểm dịch COVID-19 bùng phát, giá cỏ nhung xuống thấp. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá tăng lên gần 30.000 đồng/m2. Bà Trang Thị Nga cho biết, dịch bệnh khiến giá cỏ nhung lên xuống thất thường. Người trồng cỏ nhung ở ấp Đông Quới rất mong muốn được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra, giá bán ổn định, người dân an tâm sản xuất”.
Theo NHỰT AN (TTXVN)