Dự án xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích 92.758ha ở Đồng Tháp

14/10/2020 - 08:04

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai đúng hướng, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả được nhân rộng. Các địa phương đã tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, thực hiện quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin và thực hiện cơ giới hóa để giảm giá thành sản xuất, tăng thêm thu nhập cho người nông dân.

Người dân đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa ở cánh đồng lớn trên địa bàn huyện Cao Lãnh

Đối với chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, toàn tỉnh có 44 đơn vị triển khai thực hiện dự án xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích 92.758ha, được xem xét hỗ trợ theo Quyết định số 37 của UBND tỉnh Đồng Tháp về quy định một số chính sách ưu đãi và mức chi hỗ trợ phục vụ cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Còn chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định 210 và Nghị định số 57 của Chính phủ thì các dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được xem xét, áp dụng các mức ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế theo quy định. Riêng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57 của Chính phủ, tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu để trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án để triển khai áp dụng.

Nhìn chung, kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 của tỉnh tăng trưởng bình quân hằng năm là 3,57%, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến và Nhân dân tự quản được hình thành, nhân rộng, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của nông dân, chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “làm kinh tế nông nghiệp”.

Theo DŨNG CHINH (Báo Đồng Tháp)