Người khỏe mạnh cũng đừng chủ quan sốt xuất huyết
Theo nhận định của ngành y tế tỉnh Vĩnh Long, tình hình bệnh SXH năm nay diễn biến khá phức tạp. Tính đến 28/7, toàn tỉnh ghi nhận trên 780 trường hợp mắc bệnh SXH.
Qua đánh giá, số ca mắc và ổ dịch SXH vẫn tập trung vào các địa phương có dịch lưu hành cao hàng năm như: Long Hồ, TP Vĩnh Long, Tam Bình, Trà Ôn nơi có mật độ dân cư đông, nhiều khu công nghiệp, trường học. Với số ca mắc cao và nhiều trường hợp bệnh nặng do sốc SXH chiếm 2,4%, ngành y tế nhận định tình hình bệnh SXH năm nay sẽ còn diễn biến
phức tạp.
Nằm điều trị SXH tại Khoa Nhiễm, BVĐK Vĩnh Long, được 4 ngày, hiện sức khỏe dần ổn định, song chỉ số bạch cầu vẫn còn cao cho nên chị H.B.N. (TT Long Hồ) phải ở lại bệnh viện theo dõi thêm.
“Trước khi nhập viện, tôi bị sốt liên tục 3 ngày, tự mua thuốc hạ sốt uống. Dù có hạ, nhưng lại bị nôn ói, có chảy máu răng, thêm ngay kỳ kinh, người mệt mỏi chỉ muốn nằm, tôi đi bệnh viện khám thì được biết là SXH”- chị N. cho biết.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng.
Theo các bác sĩ, trong SXH có 2 biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt. Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn ói, lơ mơ, li bì…
Những ngày đầu tiên mắc SXH, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Người bệnh sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt có thể hạ sốt, nhưng có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3-4 tiếng.
Có khoảng 70% các trường hợp mắc SXH là lành tính, sau sốt 5-7 ngày người bệnh có thể tự hồi phục. Song, một số trường hợp có cơ địa đặc biệt, có bệnh nền mạn tính kèm theo thì cần lưu ý hơn.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, bệnh SXH thường có các triệu chứng đa dạng giống với các bệnh khác như tay chân miệng, sốt rét, sốt siêu vi, sốt phát ban... Ngay cả khi trẻ đã từng mắc SXH rồi vẫn có khả năng mắc thêm các lần sau. Bệnh SXH có thể dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, xuất huyết nặng, suy hô hấp gây tử vong.
“Vẫn còn nhiều cha mẹ bỏ qua các biểu hiện quan trọng của bệnh, tự ý điều trị tại nhà bằng cách tự mua thuốc, ví dụ khi thấy trẻ sốt thì cho uống hạ sốt… Trẻ cần được đưa đi thăm khám kịp lúc để làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó phát hiện sớm và chính xác bệnh lý để can thiệp kịp thời”- BS Chí Công lưu ý.
Người dân cần ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết
Trước đây, dịch SXH ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Song, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ. Năm 2023 không phải chu kỳ của dịch, song 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 46.000 ca mắc, 11 trường hợp tử vong tại hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam.
Dự báo tình hình SXH sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, bởi đang trong mùa mưa, làm gia tăng véc tơ truyền bệnh, muỗi vằn có nơi sinh sản. Ngành y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.
“Mùa mưa là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn đẻ trứng và sinh sản phát sinh lăng quăng... Ngoài ra, dù mỗi địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, nhưng ý thức phòng bệnh SXH người dân còn chủ quan là một trong những nguyên nhân làm SXH có chiều hướng tăng lên và dự báo sẽ tăng cao, đỉnh điểm trong tháng 9- 10/2023”- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- Huỳnh Thanh Tân cho biết.
Phun hóa chất dập các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ là biện pháp được ngành y tế tỉnh tích cực thực hiện để diệt muỗi mang mầm bệnh khống chế nguồn lây.
Vì vậy để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch SXH, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị hãy cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH. Sở Y tế cũng đã khuyến cáo chúng ta mỗi tuần nên dành 10 phút để diệt lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
“Người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là với bệnh SXH, vì ai cũng có thể mắc SXH từ người già, trẻ nhỏ hay thanh niên… Hiện SXH chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là kiểm soát hoạt động của muỗi truyền bệnh như phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, ngủ trong mùng cả vào ban ngày; thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ nước đọng trong nhà và ngoài nhà…
Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà”- TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh.
Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh), giai đoạn hết sốt, nhiều nhất là ngày 4-5, là thời điểm nguy hiểm của bệnh SXH. Khoảng 10-20% bệnh nhân hết sốt nhưng mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn là chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi cầu ra máu, tay chân lạnh... Đây là triệu chứng của sốc SXH- giai đoạn nguy hiểm. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong. Cần đến bệnh viện ngay khi trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu gồm: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.
Theo QUYÊN- LIỄU (Báo Vĩnh Long)