Dư địa lớn phát triển thị trường bất động sản ở Tây Nam Bộ

19/09/2023 - 09:57

Dự báo giai đoạn 2023-2030, thị trường bất động sản ở Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư do tiềm năng phát triển rất lớn nhờ giá cả hợp lý và quỹ đất phong phú.

Một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn các huyện Bến Lức và Đức Hòa, tỉnh Long An. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn các huyện Bến Lức và Đức Hòa, tỉnh Long An. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Năm 2023 được xem là động lực phát triển kinh tế-xã hội mới của vùng kinh tế Tây Nam Bộ khi những Dự án Giao thông Trọng điểm tại Đồng bằng Sông Cửu Long về đích.

Đây cũng là tiềm năng lớn, tạo cơ hội cho các chủ đầu tư từ khắp nơi về phát triển các dự án bất động sản Tây Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu ở cho cư dân các địa phương trong vùng vốn đang rất dồi dào.

Hạ tầng giao thông phát triển mạnh

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Tây Nam Bộ có nhiều tiềm năng khi sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu. Nơi đây không chỉ phát huy năng lực tăng trưởng nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản mà còn thu hút mạnh dòng vốn FDI lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics...

Giám đốc chiến lược Batdongsan.com.vn Lê Bảo Long đánh giá cao tiềm năng đầu tư bất động sản Tây Nam Bộ nhờ quy hoạch hạ tầng và dư địa tăng trưởng.

Theo dự tính, vùng Tây Nam Bộ sẽ có nhiều tuyến cao tốc và cầu mới với tổng số vốn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.

Năm 2030, Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ có 760km đường cao tốc, đến năm 2050 quy hoạch lên 1.180km. Tiếp tục trong vòng bốn năm nữa, cả vùng sẽ có các cầu Rạch Miễu 2 và Mỹ Thuận 2, cầu Đình Khao và cầu Đại Ngãi nối liền hai bờ sông Hậu.

Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đã đầu tư và hoàn thành các tuyến cao tốc gồm Bến Lức-Trung Lương, Trung Lương-Mỹ Thuận, Cao Lãnh-Lộ Tẻ và Lộ Tẻ-Rạch Sỏi. Tất cả những tuyến cao tốc trên ngoài giúp ngành giao thông phát triển còn góp phần kích thích thị trường nhà đất của các địa phương miền Tây.

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, các dự án về đích năm 2023 tại Đồng bằng Sông Cửu Long gồm cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau, dự án nâng cấp luồng cho tàu lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2); dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2).

Riêng đối với dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 (2021-2025) đoạn Cần Thơ -Hậu Giang-Cà Mau sẽ về đích năm 2025.

Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dài 23km được xem là gạch nối quan trọng của tuyến cao tốc hơn 120km từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ. Tuyến đường khi hoàn thành sẽ chia tải rất lớn cho Quốc lộ 1, rút ngắn thời gian lưu thông từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ còn hơn hai tiếng đồng hồ, thay vì gần bốn tiếng như hiện nay.

Ngoài ra, dự án kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối liền các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải đường thủy khi phương tiện thủy có trọng tải lớn từ 2.000-3.000 tấn có thể lưu thông thuận lợi qua kênh.

Đồng thời, dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) cũng sẽ hoàn thành trong năm 2023, đáp ứng cho các tàu có tải trọng đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông thường xuyên trên tuyến, đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 21-22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000-500.000 TEU/năm. Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hải hơn nữa cho vùng kinh tế Tây Nam Bộ.

Chuyên gia Đặng Hùng Võ chia sẻ Tây Nam Bộ là vùng có tiềm năng lớn về nông nghiệp, cần có các đô thị nông nghiệp, bất động sản gắn với hệ sinh thái nông nghiệp. Đồng thời, tạo cấu trúc đô thị nông nghiệp gắn với du lịch theo triết lý xanh và thông minh. Những đặc trưng nông nghiệp là điểm thu hút cư dân các nơi, kể cả nước ngoài tới sinh sống và lập nghiệp, từ đó có lợi thế về chất lượng cư dân, lao động,…

Cơ hội cho nhà đầu tư

Ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Một số dự án đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc, nhiều dự án được tái khởi động.

Thi công cầu Rạch Miễu 2 phía tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Thi công cầu Rạch Miễu 2 phía tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Tín dụng bất động sản 4 tháng đầu năm 2023 tăng tới 9,78%, gấp 3 lần tín dụng chung của nền kinh tế. Diễn biến trên thị trường cũng cho thấy, bất động sản đang dần hồi phục, dù còn chậm.

Thực tế, vùng Tây Nam Bộ cũng đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ trong việc quy hoạch phát triển. Cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các tỉnh, thành trong vùng sẽ trở thành động lực tăng cường kết nối thông thương nội vùng và giữa vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và cả nước. Đây là cơ hội cho vùng nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa là cơ hội cho các chủ đầu tư về phát triển các dự án bất động sản Tây Nam Bộ đáp ứng nhu cầu ở cho người dân.

Theo các chuyên gia, hiện thị trường Tây Nam Bộ liên tục thu hút nguồn vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, với nguồn vốn dự kiến giai đoạn 2021-2025 tăng lên khoảng 23,3%.

Dự đoán trong khoảng thời gian tới từ 2023-2030, thị trường này sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư do có tiềm năng phát triển bất động sản rất lớn nhờ vào giá cả hợp lý và quỹ đất phong phú.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, ông Dương Quốc Thủy cho rằng cơ hội dành cho nhà đầu tư bất động sản Tây Nam Bộ là vô cùng rộng mở. Hiện tại, cả vùng chưa có quá nhiều các doanh nghiệp lớn về khai thác thì dư địa cho các chủ đầu tư về phát triển dự án còn rất lớn.

Quỹ đất rộng và mức giá thấp, lực lượng lao động dồi dào và chi phí nhân công rẻ hơn một số khu vực khác cũng sẽ thuận lợi cho nhà đầu tư trong công tác xây dựng phát triển dự án.

Cùng với đó là cơ hội khai phá thị trường ngách. Nếu như ở Thành phố Hồ Chí Minh khách hàng rất ưa chuộng sản phẩm căn hộ, bất động sản Tây Nam Bộ các chủ đầu tư phát triển dự án và cả xu hướng sở hữu nhà ở trong tương lai của nhóm đối tượng khách hàng trẻ.

Ngoài ra, với hệ sinh thái sông nước đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, Tây Nam Bộ cũng rất có lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển các sản phẩm bất động sản sinh thái gắn liền với gìn giữ bản sắc văn hóa. Nhà đầu tư tiên phong phát triển những dòng sản phẩm cạnh tranh cao thì cơ hội thành công cũng cao hơn.

Theo ông Dương Quốc Thủy, thị trường bất động sản Tây Nam Bộ còn mới nên ít biến động, chưa bị sốt ảo, thổi giá thì nhà đầu tư cũng ít rủi ro hơn, có cơ hội sở hữu những sản phẩm chất lượng tốt và giá hợp lý.

Trong bối cảnh lạm phát và các kênh đầu tư biến động mạnh như hiện nay, nhà đầu tư có xu hướng chuyển dòng vốn sang bất động sản.

Nhưng câu chuyện đầu tư sẽ theo hướng lâu dài, bền vững, khó lướt sóng trong ngắn hạn. Thị trường thanh lọc càng mạnh thì nhà đầu tư lại càng có cơ hội sàng lọc các đơn vị chủ đầu tư cũng như sàn phân phối uy tín, đủ năng lực phát triển dự án để trao gửi dòng vốn của mình, điều này sẽ giúp thị trường minh bạch, lành mạnh hơn./.

Theo HỒNG ĐẠT(TTXVN/Vietnam+)