Đưa sản xuất lúa bắt nhịp cách mạng 4.0. Ảnh minh hoạ: Hoài Nam – TTXVN
Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 80% hộ dân Tiền Giang đang sống nhờ vào nông nghiệp.
Nghề trồng lúa tại đây đã có từ lâu đời, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho bà con. Hiện nay, tổng diện tích đất canh tác của tỉnh gần 70.000 ha, sản xuất mỗi năm ba vụ và sản lượng lương thực từ 1,26 triệu tấn đến 1,3 triệu tấn lúa hàng hóa.
Chủ trương phát huy các tiềm năng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, gần đây, Tiền Giang khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, coi trọng việc áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật vào thâm canh, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao trong nỗ lực bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tỉnh định hình các vùng sản xuất lúa hàng hóa trọng điểm bao gồm vùng ngập lũ phía Tây, vùng Đồng Tháp Mười, vùng dự án Bảo Định ở trung tâm và vùng ngọt hóa Gò Công ở duyên hải phía Đông.
Tùy theo đặc thù thổ nhưỡng và khí tượng thủy văn từng vùng, địa phương xây dựng lịch thời vụ xuống giống đồng loạt nhằm phòng trừ rầy nâu gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; khuyến khích nông dân đầu tư cơ giới hóa trong các khâu canh tác, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, chú trọng sử dụng cơ cấu giống lúa chất lượng cao thay cho các giống lúa thường nhằm nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa hướng đến xuất khẩu gắn với liên kết doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, bảo đảm đầu ra cho nông sản giúp nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất.
Việc huyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến theo IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… được coi trọng, giảm chi phí canh tác vừa giúp bà con tăng thêm lợi nhuận.
Đối với những địa bàn khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng hạn mặn hoặc biến đổi khí hậu, tỉnh chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng lúa, đưa cây màu xuống chân ruộng hoặc phát triển các cây trồng phù hợp khác vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa giá trị cao.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2017, tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng ở vùng ngọt hóa Gò Công đến năm 2025 kèm theo những chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất một cách cụ thể.
Trong khuôn khổ đề án, đến nay, toàn vùng đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng trên diện tích đến trên 20.000 ha; trong đó, gồm cắt bớt vụ 9.565 ha, chuyển vụ trên 7.200 ha và chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng khác 3.275 ha.
Ngoài ra, còn xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân như mô hình hệ thống tưới tiết kiệm nước trên cây rau, mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây thanh long, mô hình trình diễn giống cây ăn quả, mô hình trình diễn lúa chất lượng cao.
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai Dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong khuôn khổ dự án, lần đầu tiên trong vụ Thu Đông 2018, Tiền Giang đã tổ chức trình diễn “Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao” của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (Gò Công Đông) với qui mô 7,5 ha và 12 hộ tham gia đồng thời chọn 1 hộ canh tác 1,1 ha theo phương pháp truyền thống làm đối chứng.
Quy trình kỹ thuật gồm cơ giới hóa các khâu canh tác, chọn giống chất lượng cao đưa vào sản xuất, gieo mạ khay và cấy bằng máy kết hợp vùi phân bón thông minh (loại phân do doanh nghiệp tham gia trình diễn sản xuất theo đơn đặt hàng cho điểm trình diễn) đồng thời áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến trong quá trình chăm sóc.
Theo bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khảo sát đánh giá cuối vụ, các điểm trình diễn cho kết quả tốt, mở ra triển vọng mới trong việc nhân rộng mô hình trình diễn những kỹ thuật canh tác tiên tiến ra diện rộng ở một trong vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa tập trung lớn nhất vùng duyên hải phía Đông tỉnh Tiền Giang.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang kết hợp Hội Nông dân triển khai mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông với 5 hộ tham gia trên diện tích canh tác 2,5 ha.
Theo nông dân Phan Văn Trung (xã Bình Ân, Gò Công Đông), khi tham gia mô hình, bà con áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác như giảm lượng giống gieo sạ để nâng chất lượng hạt thóc, giảm sâu bệnh; gieo sạ theo lịch tập trung của ngành chức năng; không sử dụng thuốc trừ sâu, giai đoạn lúa dưới 40 ngày tuổi và dùng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; tưới nước theo quy trình ngập - khô xen kẽ tạo điều kiện cho cây lúa phát triển bộ rễ đồng thời không đốt rơm rạ khi thu hoạch nhằm bảo vệ môi trường và tạo nguồn thức ăn chăn nuôi,…
Năm 2018, Tiền Giang xây dựng 307 mô hình trình diễn “1 phải 5 giảm” trên diện tích 2.070 ha, xây dựng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa trên diện tích 60 ha, mở 286 lớp huấn luyện nông dân sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” trong khuôn khổ dự án VnSAT thu hút trên 9.500 lượt nông dân.
Các đề án, dự án, chương trình khuyến nông tiên tiến tạo động lực cho nghề trồng lúa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó, đẩy nhanh tiến trình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quá trình canh tác tại Tiền Giang, giải quyết bài toán thiếu nhân công trong nông nghiệp, trình độ canh tác của nông dân ngày càng nâng lên cùng những hiệu ứng tích cực khác.
Theo khảo sát, tỉ lệ áp dụng các biện pháp “3 giảm 3 tăng”, “ 1 phải 5 giảm” chiếm gần 87% tổng diện tích canh tác; diện tích xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ tập trung né rầy đạt trên 90%; diện tích sử dụng công cụ sạ hàng chiếm gần 75%, sử dụng giống lúa nguyên chủng và cấp xác nhận đạt trên 83%; cơ giới hóa các khâu làm đất, bơm tát chiếm 100% diện tích, thu hoạch bằng cơ giới đạt 100%...
Hàng năm, toàn tỉnh có trên 8.400 ha đất canh tác hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, diện tích đưa cây màu xuống luân canh trên chân ruộng ở những địa bàn khó khăn đạt trên 10.000 ha.
Đáng chú ý, trong năm 2018 vừa qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh làm giảm chi phí sản xuất lúa, giúp nông dân nâng lợi nhuận bình quân lên 18,4 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 4,72 triệu đồng/ ha/ vụ so với năm trước.
Còn các mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng đều tăng lợi nhuận gấp 2 đến 3 lần so với mô hình trồng lúa độc canh trước đây.
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, đây là kết quả rất đáng mừng cho thấy việc chuyển đổi tích cực để nghề trồng lúa bắt nhịp cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Tiền Giang đang tiến triển tốt đẹp, mở ra một chương mới cho nền nông nghiệp nói chung và nghề trồng lúa của tỉnh nhà nói riêng tăng trưởng bền vững mà nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng hưởng lợi rất lớn.
Theo MINH TRÍ (TTXVN)