Nhà thiết kế Minh Hạnh (bìa trái) khảo sát điểm tổ chức và mang sản phẩm vải dệt từ tơ khóm giới thiệu với lãnh đạo tỉnh.
Câu chuyện về áo bà ba sẽ được kể rất khác lạ...
Nhà thiết kế nổi tiếng Việt Nam - Minh Hạnh là người khởi xướng và chắp cánh cho ý tưởng tổ chức Festival Áo bà ba cho riêng Hậu Giang và nhận được cái gật đầu của lãnh đạo tỉnh, với mong muốn mang đến một sự kiện độc đáo, mới lạ, tạo điểm nhấn và sức lan tỏa.
Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Tôi biết đến Hậu Giang từ hơn 10 năm trước. Nơi đây dù có phát triển nhưng ngay trung tâm tỉnh lỵ vẫn còn buồn quá. Tôi mong muốn góp chút sức làm cho nơi đây trở nên đẹp hơn, thu hút hơn từ vẻ độc đáo rất riêng, sẵn có. Sự kiện này sẽ góp phần quảng bá Hậu Giang một cách rộng rãi, thân thiện, gần gũi, giống như tôi đã từng phối hợp và tổ chức thành công, mở hướng phát triển du lịch cho Măng Đen của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cách đây không lâu”.
Nhà thiết kế đã có những chuyến khảo sát tại trung tâm thành phố Vị Thanh, để lên ý tưởng tổ chức sự kiện lần này. Bà cảm nhận rất khác biệt về nét đẹp của Hậu Giang với hình ảnh vườn tượng trên bên bờ kè Xà No, là chợ quê, nơi người nông dân bán nông sản vào mỗi sáng ở phường III; là Hồ Sen với vẻ đẹp khác biệt ngay lòng trung tâm đô thị... Mỗi nơi đều để lại những dấu ấn rất riêng, làm cho ý tưởng thiết kế một lễ hội độc đáo, đặc sắc thêm tròn đầy.
Với bà, sự kiện chỉ là sự khởi đầu. Câu chuyện về chiếc áo bà ba sẽ được kể rất khác lạ qua hình ảnh của những tiểu thương nông dân mặc trang phục này để buôn bán, dần trở thành nét riêng, qua việc trình diễn trang phục áo bà ba trên sông, triển lãm áo bà ba xưa và nay cùng các hoạt động ẩm thực, gian hàng giới thiệu và cắt may áo bà ba đáp ứng nhu cầu của đại biểu và du khách. Bà còn thiết kế tơ khóm, kết hợp với tơ coton và tơ lụa để dệt thành vải và may áo bà ba... Mong muốn sau khi sự kiện này kết thúc, Hậu Giang sẽ tiếp tục phát huy, để sự kiện được tổ chức thường niên, mang lại nét độc đáo riêng, thu hút du khách, tạo điểm nhấn đặc biệt cho du lịch Hậu Giang.
Tập trung tổ chức thành công
Từ ý tưởng của một người tâm huyết, làm sống lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mang đến Hậu Giang một lễ hội thật sự khác biệt, góp phần tạo dấu ấn riêng trong mắt du khách, đây là điều tỉnh nhà đang rất cần để phát triển du lịch. Bởi hiện tại, Hậu Giang vẫn chưa có sản phẩm du lịch nào thật sự độc đáo để thu hút du khách.
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: “Đó là lý do mà lãnh đạo tỉnh rất hứng thú với ý tưởng tổ chức sự kiện lần này. Chúng tôi đã chỉ đạo UBND thành phố Vị Thanh, các sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với đơn vị tổ chức, từng bước triển khai các phần việc đòi hỏi nhiều thời gian, như chỉnh trang đô thị, trồng hoa, dọn dẹp những nơi sẽ diễn ra các hoạt động, chuẩn bị ghe chèo bằng gỗ cho phần trình diễn áo bà ba trên sông; tuyên truyền sâu rộng để người dân tại thành phố Vị Thanh, nơi tổ chức sự kiện hiểu, có sự đồng hành, xem đây là trách nhiệm để phối hợp nhịp nhàng, cùng tạo nên sự thành công cho sự kiện đặc biệt này”.
Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại Hậu Giang và sẽ trở thành sự kiện của riêng tỉnh. Dự kiến có các hoạt động chính: triển lãm tranh áo bà ba xưa và nay, trình diễn áo bà ba trên sông, trình diễn 500 bộ áo bà ba và các bộ sưu tập áo bà ba của 10 nhà thiết kế trong nước...
Một số hoạt động diễn ra trước sự kiện chính là phát động cuộc thi vẽ tranh công nghệ AI, khu ẩm thực giới thiệu đặc sản Hậu Giang. Các địa điểm diễn ra sự kiện là Công viên tượng bờ kè Xà No, Khu văn hóa Hồ Sen và kênh Mương Lộ. Đặc biệt, những người dân buôn bán tại chợ nông thôn Phường III, thành phố Vị Thanh sẽ được tài trợ vải để may áo bà ba mặc trong những ngày diễn ra sự kiện. Ý tưởng của những người tổ chức mong muốn việc mặc áo bà ba buôn bán sẽ tạo thành thói quen, hình ảnh lạ mắt mà gần gũi, thân quen. Khách mời ngoài tỉnh, dự kiến sẽ là các vị nữ lãnh đạo, nguyên nữ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngoại giao đoàn, nữ doanh nghiệp; lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL...
Đây là cơ hội để sự kiện đặc biệt được giới thiệu rộng rãi, không chỉ trở thành sự kiện thường niên mang dấu ấn riêng của Hậu Giang, mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, tạo điểm nhấn để thu hút du khách.
“Sự kiện này sẽ góp phần quảng bá Hậu Giang một cách rộng rãi, thân thiện, gần gũi, giống như tôi đã từng phối hợp và tổ chức thành công, mở hướng phát triển du lịch cho Măng Đen của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cách đây không lâu”, Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.
Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)