Cụ thể, từ ngày 8-2 đến ngày 16-2-2020, xâm nhập mặn cao với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm 20-22km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6km, thấp hơn 15-17km so với mức sâu nhất năm 2016. Tại các cửa sông Cửu Long ở mức sâu nhất 75km, sâu hơn trung bình nhiều năm 30km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 15km, sâu hơn khoảng 4km so với mức sâu nhất năm 2016. Từ nay đến tháng 3, tháng 4-2020, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trong vùng ĐBSCL.
Nông dân TP Cần Thơ thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020 sớm trúng mùa, tránh được hạn, mặn xâm nhập.
Đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại gần 29.700ha lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL (vụ mùa 16.000ha, đông xuân 13.700ha), bằng 7,3% so tổng cộng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015-2016 là 405.000 ha). Tổng cục Thủy lợi, khuyến cáo: đối với diện tích xuống giống lúa đông xuân 2019-2020 muộn (trong tháng 12-2019), các địa phương cần tích cực trữ nước và xây dựng phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn, xâm nhập mặn, nhất là 94.000/318.000 ha lúa xuống giống muộn trong tháng 12-2019 ở 9 tỉnh ven biển có khả năng chịu ảnh hưởng hạn, mặn (Long An là 15.500ha; Tiền Giang 2.500ha; Trà Vinh 21.500ha; Hậu Giang 20.100ha; Sóc Trăng 15.000 ha; Bạc Liêu 6.000ha; Cà Mau 10.800ha; Bến Tre 2.500ha). Bên cạnh đó, các tỉnh, thành đã thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020 xong không nên xuống giống vụ hè thu ngay, chỉ xuống giống khi xâm nhập mặn giảm, nguồn nước bảo đảm cung cấp cho lúa, rau màu...
Theo H.VĂN (Báo Cần Thơ)