Nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao
Lãng phí tài nguyên rơm
Với vị thế là 1 trong 2 tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, An Giang là địa phương có lượng rơm và trấu thải ra môi trường đứng hàng đầu. Do tận dụng chưa tốt nên lâu nay, nguồn tài nguyên sinh khối từ phụ phẩm cây lúa này bị coi là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cũng có nhiều mô hình tận dụng rơm trồng nấm, cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết, diện tích trồng nấm rơm trên địa bàn tỉnh đang có khuynh hướng tăng lên. Nếu như năm 2014, diện tích trồng nấm rơm là 300ha thì đến nay, đã duy trì được khoảng 400ha, sản lượng cũng tăng từ hơn 3.000 tấn (năm 2014) lên trên 4.200 tấn (năm 2018), năng suất trung bình 10 tấn/ha. Trong đó đã xuất hiện những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Điển hình như mô hình trồng nấm rơm trong nhà ứng dụng công nghệ cao, 1m mô cho thu hoạch trung bình 1,39kg nấm rơm, cao hơn gần 40% so các điểm trồng ngoài trời (thu hoạch trung bình 1kg/m mô). Toàn tỉnh đã nhân rộng được 20 mô hình trồng nấm rơm trong nhà. Thực hiện kế hoạch gói hỗ trợ kỹ thuật - tài chính - thị trường cho sản phẩm nấm giai đoạn 2015 - 2016, toàn tỉnh đã xây dựng 17 điểm trình diễn mô hình trồng nấm rơm trong nhà, 8 mô hình trồng nấm mèo, tổ chức 22 lớp kỹ thuật trồng nấm cho nông dân, hỗ trợ 7 máy cuốn rơm, tổ chức 15 cuộc hội thảo mô hình trình diễn, thu hút 750 nông dân tham gia, hình thành 15 tổ hợp tác sản xuất nấm ăn tại các huyện…
Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, mô hình trồng nấm rơm trong nhà giúp nông dân có thể kiểm soát được điều kiện ngoại cảnh (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng…), tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nấm sinh trưởng và phát triển. Mô hình giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế hơn 30% so với trồng ngoài trời. Một tiến bộ mới đã được áp dụng là trồng nấm rơm bằng nguyên liệu compost (hỗn hợp bao gồm rơm ủ chín và các chất dinh dưỡng hữu cơ cần thiết cho nấm phát triển). Rơm compost được xử lý bằng phương pháp công nghiệp hấp tiệt trùng nên sạch mầm bệnh, hạn chế sự nhiễm tạp và có thể rút ngắn thời gian sản xuất do không cần thực hiện khâu ủ rơm, đảo rơm. Nấm rơm trồng bằng nguyên liệu compost cho chất lượng tốt hơn so với phương pháp trồng nấm rơm truyền thống.
Tiếp tục nhân rộng
Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã xây dựng thành công 2/6 mô hình “trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu rơm phối trộn với 30% nguyên liệu bông vải” tại huyện Thoại Sơn và Phú Tân. Kết quả, năng suất nấm thu được 2,15kg/m mô. Bên cạnh kiểm soát được nhiệt độ, ẩm độ, nền xi măng trong nhà cũng giúp nông dân thuận tiện trong khâu vệ sinh khử trùng, trong khi nguyên liệu bông vải giúp giữ ẩm tốt cho mô nấm, giúp tơ nấm phát triển và cho thu hoạch sớm hơn so với trồng nấm rơm hoàn toàn bằng rơm.
Từ năm 2018, Trung tâm Khuyến nông An Giang bắt đầu triển khai Dự án nhân rộng mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu compost tại các huyện: Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên. Dự án đã hỗ trợ 2 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân, xây dựng 15 nhà trồng nấm, mỗi nhà trồng diện tích 80m2 (ngang 5m, dài 16m, cao 3m), thực hiện 200 bao nguyên liệu compost/nhà nấm. Kết quả, mỗi bao nguyên liệu 20kg cho năng suất nấm rơm thu hoạch đạt trung bình 1,24kg (nấm rơm loại 1 đạt 1,08kg/bao, nấm loại 2 đạt 0,16kg/bao). Với giá bán trung bình 65.000 đồng/kg nấm loại 1 và 50.000 đồng/kg nấm loại 2, nông dân thu được lợi nhuận 5,44 triệu đồng/nhà trồng/vụ. Cùng một diện tích, mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu compost cho lợi nhuận cao hơn 77% so với mô hình trồng nấm rơm ngoài trời theo cách truyền thống. Sản phẩm nấm rơm bằng nguyên liệu compost được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ tiêu thụ hơn.
Với nguồn nguyên liệu rơm dồi dào, tiềm năng phát triển nghề trồng nấm rơm là rất lớn. Với diện tích nhỏ (từ 80 - 100m2/nhà nấm), mỗi hộ có thêm thu nhập 5 - 6 triệu đồng/vụ nấm). Tuy nhiên, để phát triển quy mô lớn, lâu dài và bền vững, cần có những nghiên cứu về nâng cao chất lượng nguồn rơm, ứng dụng công nghệ chọn tạo, nuôi cấy giống theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng của phôi nấm, hỗ trợ vốn cho người dân đầu tư xây dựng nhà trồng nấm rơm theo hướng công nghệ cao với quy mô lớn hơn, mời gọi doanh nghiệp liên kết tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN