Trụ ốp tường Lạc Quới
Trụ ốp tường Lạc Quới có kích thước 238 x 30 x 34cm. Mặt trước dù đã mòn mờ theo thời gian, vẫn có thể nhận thấy điêu khắc hoàn chỉnh và nội dung bố cục theo chiều dọc, thứ tự từ trên xuống dưới. Mặt sau của trụ để thô ráp, có lẽ được dùng để ốp vào tường gạch của một ngôi đền. Theo nghiên cứu của chúng tôi, đây là một tác phẩm điêu khắc kể chuyện (narrative sculpture), thể hiện đề tài Phật giáo gồm 3 phân cảnh minh họa 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật.
Trong phân cảnh 1, lá hoặc cây bồ đề là biểu tượng phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo để chỉ sự giác ngộ của Đức Thích Ca dưới gốc bồ đề tại Bodh Gaya. Vào thời kỳ đầu của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến thế kỷ thứ III Công nguyên, trước khi xuất hiện hình tượng Đức Phật. Cây hoặc lá bồ đề, chuyển pháp luân và bảo tháp là 3 biểu tượng cho sự hiện diện của Đức Phật. Trong bức chạm này, nhân vật ngồi dưới chiếc lá bồ đề trong tư thế kiết già và 2 tay thủ ấn thiền định, chính là Đức Phật khi ngài đạt chánh pháp.
Trong phân cảnh 2, hình tượng 3 vòng tròn gắn trên đầu trụ thể hiện (trụ) chuyển pháp luân, là biểu tượng cho bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật tại vườn Lộc Uyển ở Sarnath sau khi đắc đạo và sự truyền bá chánh pháp. Hình tượng này phổ biến trong nghệ thuật Nam Ấn Độ vào thời Amaravati, khoảng thế kỷ thứ III Công nguyên; và ở Đông Nam Á, phổ biến trong nghệ thuật Dvaravati của Thái Lan, giai đoạn từ thế kỷ thứ VI đến thứ VIII, được cho là chịu ảnh hưởng ý tưởng sáng tác từ nghệ thuật vùng Nam Ấn.
Trong phân cảnh 3, chiếc lọng dựng trên tòa sen là biểu tượng cho vương quyền và đạo pháp, được xếp hàng đầu trong Bát bảo của Phật giáo, cũng là tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Phật. Phân cảnh này thể hiện sự kiện Đức Phật Thích Ca lên cõi trời Đạo Lợi để thuyết pháp cho Hoàng hậu Maya và chư thiên, được thể hiện bằng 3 nhân vật ngồi dưới chiếc lọng trong tư thế trang nghiêm lắng nghe chánh pháp.
Trên phương diện tạo hình, các chi tiết điêu khắc trên trụ ốp tường Lạc Quới có thể so sánh với các tác phẩm Phật giáo khác thuộc trường phái nghệ thuật Amaravati hay Dvaravati, tiêu biểu là hình tượng chiếc ngai và chuyển pháp luân. Chiếc ngai của Đức Phật thể hiện giản lược với 2 lớp gờ chồng lên nhau chứ không phải tòa sen, phổ biến trên nhiều tác phẩm của nghệ thuật Amaravati nhưng hầu như không xuất hiện trong nghệ thuật Dvaravati, vì trong nền nghệ thuật này hình tượng Đức Phật được diễn tả ngồi hoặc đứng trên tòa sen hay trong thế ngồi vương tọa với 2 chân buông thõng xuống. Về hình tượng chuyển pháp luân, nhà nghiên cứu Pinna Indorf từng so sánh một bức chạm chuyển pháp luân tìm thấy tại di tích Óc Eo, hiện được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, với các chuyển pháp luân khác ở Đông Nam Á lục địa, bà cho rằng bức chạm của Óc Eo thuộc nhóm có niên đại sớm, khoảng thế kỷ thứ VI hoặc thứ VII. Ngoài ra, theo Piriya Krairiksh, nhà lịch sử nghệ thuật Thái Lan, những bức chạm chuyển pháp luân của Dvaravati thuộc tông phái Theravada của Phật giáo Tiểu thừa. Trong bối cảnh này, phải chăng hình tượng chuyển pháp luân trên trụ ốp tường Lạc Quới cũng có niên đại thế kỷ thứ VI hoặc thứ VII, tương đương với giai đoạn sớm của các chuyển pháp luân ở Đông Nam Á lục địa và nó cũng thuộc Phật giáo Theravada?
Trụ ốp tường Lạc Quới là tác phẩm điêu khắc duy nhất được biết đến trong nghệ thuật Phật giáo của văn hóa Óc Eo, bởi nó minh họa nội dung của Chương Một trong Kinh Mahamaya về truyền thuyết “Đức Phật thuyết pháp cho Hoàng hậu Maya và chư thiên trên trời Đạo Lợi”. Nội dung kể chuyện của trụ ốp tường Lạc Quới được bố cục theo chiều dọc, tương tự những tác phẩm kể chuyện Phật giáo phổ biến trong nghệ thuật Amaravati vào đầu Công nguyên, nhưng bố cục này chưa từng xuất hiện trong nghệ thuật Dvaravati. Như vậy, phải chăng nội dung và cách thể hiện của trụ ốp tường Lạc Quới được gợi ý trực tiếp từ nghệ thuật Phật giáo ở Nam Ấn đương thời?
Việc giải mã nội dung điêu khắc của trụ ốp tường Lạc Quới cung cấp những nhận thức mới để tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật Phật giáo trong giai đoạn sớm tại ĐBSCL, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề lý thú về những mối quan hệ nghệ thuật trong vùng cần được tiếp tục nghiên cứu.
TÚ ANH - BÁCH LINH