Thăm ruộng lúa đang giai đoạn phát triển sau hơn 1 tháng cấy, anh Trầm La, ở ấp Đại Thành, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Tôi có 4ha sản xuất lúa 2 vụ/năm. Trước đây, hầu hết ruộng lúa của tôi áp dụng hình thức sạ lan nhưng khi thấy bà con xung quanh dùng máy cấy có hiệu quả nên tôi đã học hỏi làm theo. Qua nhiều vụ cấy lúa bằng máy, tôi nhận thấy việc dùng máy cấy giảm được lượng lúa giống, hạn chế việc giặm lúa như sạ lan. Lý do, trước khi cấy hạt giống đã được gieo thành mạ trên bờ từ 7 - 8 ngày tuổi mới đưa lên máy đem ra đồng cấy xuống ruộng. Vì vậy, nếu gặp mưa cũng không lo ngại việc lúa bị chết như sạ lan hay sạ hàng”.
Anh Trần Quốc Công (Mỹ Xuyên) giới thiệu các chiếc máy cấy, góp phần tăng năng suất lúa trên cùng diện tích đất. Ảnh: Thúy Liễu
Cũng theo chia sẻ của anh La, cái hay của lúa cấy là hôm trước cấy ngày sau có thể cho nước lên ruộng nên không tốn tiền mua thuốc phun diệt ốc bươu vàng, diệt mầm cỏ dại. Bên cạnh đó, giá thuê máy cấy lúa trọn gói là 450.000 đồng/công, tương đương với cách làm truyền thống, nhưng thuê máy cấy đỡ áp lực kiếm lao động. Đồng thời, máy cấy hoạt động trong một giờ cấy được 4 công đất lúa sẽ giúp việc xuống giống của nông dân canh tác lúa nhanh và đồng loạt…
Mạnh dạn đầu tư 3 chiếc máy để cấy ruộng nhà vì việc liên kết sản xuất giống phải dùng máy cấy để cung ứng cho doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng sau thu hoạch, anh Trần Quốc Công, ở ấp Đại Thành, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) tâm tình: “Gia đình tôi có hơn 10ha trồng lúa, tới mùa gieo sạ phải huy động đông lao động phụ giúp nhưng lao động ngày càng kham hiếm. Không biết phải làm cách nào để giải quyết vấn đề trên thì năm 2015, được Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ máy cấy, hướng dẫn luôn kỹ thuật làm mạ và đưa tôi đi tham quan học hỏi kinh nghiệm làm mạ tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Trước khi triển khai máy cấy trên toàn bộ diện tích ruộng nhà, Trạm Khuyến nông đã làm mô hình thử nghiệm giữa ruộng dùng máy cấy và ruộng sạ lan, kết quả cho thấy ruộng dùng máy năng suất lúa tốt và chất lượng lúa chín đồng loạt. Với diện tích đất hơn 10ha, gia đình tôi có liên kết Doanh nghiệp Hồ Quang làm giống lúa, bởi việc làm giống lúa phải am hiểu kỹ thuật và đặc biệt phải dùng máy cấy thì lúa mới đạt chuẩn”.
Theo anh Công, thì việc dùng máy cấy lượng lúa giống giảm hơn 50%, nếu sạ lan cần lượng giống 15kg/công thì dùng máy cấy chỉ cần 7kg lúa giống đem gieo mạ là đã đủ cho một công lúa. “Trong quá trình cây mạ phát triển nhờ lúa có khoảng cách thông thoáng nên đẻ nhánh tốt, giảm sâu hại tấn công, giảm số lần phun thuốc, cả vụ chỉ cần phun 3 lần thuốc dưỡng lúa, năng suất tăng hơn sạ lan từ 10% - 20% (50kg - 100kg/công/vụ). Nhận thấy chiếc máy cấy thiết thực trên ruộng nhà, tôi đã đầu tư thêm 3 chiếc máy cấy, nâng tổng số lên 4 chiếc vừa cấy ruộng nhà vừa cấy ruộng của bà con trong xã, mỗi năm cấy tầm 800 công, trừ chi phí lợi nhuận 80 triệu đồng” - anh Công vui vẻ cho biết thêm.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Võ Văn Bé cho biết: “Nông dân áp dụng máy cấy lúa trên đồng ruộng sẽ giúp lúa ngay hàng, thẳng lối, đồng đều, từ đó tạo độ thoáng, giúp lúa quang hợp tốt nên cây cứng, khỏe, hạn chế sâu bệnh, dịch hại tấn công. Sử dụng máy cấy lúa sẽ nhanh bén rễ, đẻ nhánh sớm, số nhánh hữu hiệu nhiều nên cho năng suất cao... Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa phương đã sử dụng máy cấy thay cho hình thức sạ lan. Nhằm giảm lượng giống trong gieo sạ theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thích ứng với biến đổi khí hậu, đơn vị sẽ tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ về máy cấy và lúa giống cho nông dân thực hiện mô hình, thấy được hiệu quả thực tế của máy cấy để nông dân học hỏi, nhân rộng, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất…”.
Theo Báo Sóc Trăng