Giảm nghèo ở Hậu Giang như một kỳ tích

04/01/2024 - 08:59

20 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo ở Hậu Giang gần 24%, là một trong những địa phương khó khăn nhất của đồng bằng sông Cửu Long khi đó. Sau 20 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh giờ còn 3,49%, có nhiều người xúc động chia sẻ đó như một kỳ tích của tỉnh trẻ.

A A

Những căn nhà đại đoàn kết trao tặng giúp người nghèo có mái ấm an cư, động lực để vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

20 năm qua đã giảm hơn 20,5% hộ nghèo

Nhớ lại thời điểm mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ), Hậu Giang có địa bàn nông thôn rộng, nông dân chiếm phần lớn số dân, hộ nghèo đông, cơ sở vật chất thiếu thốn. Nhưng 20 năm sau, Hậu Giang đã có những bứt phá khá ấn tượng, cụ thể như tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 24% xuống còn 3,49% (số liệu sơ bộ rà soát hộ nghèo cuối năm 2023). Tiêu chí xét hộ nghèo có nhiều thay đổi trong những năm qua, có những năm Hậu Giang đã giảm sâu nhưng sau đó tỷ lệ lại tăng do có nâng cao các tiêu chí đảm bảo chất lượng, cuộc sống, thu nhập. Bởi vậy mới thấy, để đạt được kết quả như hôm nay là hành trình gian nan và đầy nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và sự trợ giúp của doanh nghiệp, mạnh thường quân xa gần.

Chị Kiều hy vọng mô hình nuôi bò sẽ giúp kinh tế gia đình phát triển.

Điểm sáng trong thực hiện công tác giảm nghèo có thể ghi nhận rõ nét nhất ở thành phố Ngã Bảy, khi đến nay qua kết quả rà soát sơ bộ tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 187 hộ, chiếm tỷ lệ 1,21%. Quyết tâm giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân được cấp ủy, chính quyền thành phố thể hiện rõ qua các giải pháp thực hiện. Thành phố đã tổ chức các buổi đối thoại với hộ nghèo, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có sự hỗ trợ phù hợp; nâng cao ý thức tự vươn lên của chính người nghèo bên cạnh việc giúp họ sử dụng hiệu quả nhất sự hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo một cách bền vững nhất.

Ông Nguyễn Phong Vũ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Một số hộ nghèo từ không có đất, phương tiện sản xuất đã được hỗ trợ, tạo việc làm. Cán bộ địa phương hướng dẫn người dân cải tạo đất, chọn con giống, cây giống phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, thành phố còn quan tâm hỗ trợ nhà ở, đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…”.

Địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các địa phương khác trong tỉnh, song với nhiều giải pháp, cách làm cụ thể, huyện Phụng Hiệp đã có chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo. Nếu như năm 2005 toàn huyện có 10.328 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,6%, thì đến cuối năm 2023, qua kết quả rà soát sơ bộ tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 5,3% tương đương 2.697 hộ. Với việc rà soát, phân loại từng hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ nghèo, huyện Phụng Hiệp đã có sự giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo cụ thể, thiết thực như hộ gặp khó khăn về nhà ở thì hỗ trợ xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Hộ không có tư liệu sản xuất thì được đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; đối với hộ có đất sản xuất thì hướng dẫn mô hình, tập huấn kỹ thuật… Địa phương còn vận động xã hội hóa để hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm sinh hoạt trong gia đình đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội…

Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến người dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí chủ động, tự vươn lên của người nghèo. Thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp”.

Đời sống người dân không ngừng được nâng lên

Tốc độ giảm nghèo được ngành chức năng đánh giá là khá nhanh và hiệu quả, tuy nhiên công tác giảm nghèo không chỉ dừng lại ở việc giảm những con số mà phải bền vững và tiếp cận được với các dịch vụ xã hội, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Là một trong những hộ thoát nghèo trong năm 2023, gia đình chị Dương Thị Kiều, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, rất phấn khởi. Chị Kiều chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhưng giờ gia đình tôi cũng như bà con nơi đây đã có cuộc sống tương đối hơn”.

Giúp gia đình chị thoát nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xem xét hỗ trợ 3 con bò. Từ ngày nhận bò về nuôi, vợ chồng chị cố gắng chăm sóc, hiện bò phát triển tốt, hứa hẹn tăng thu nhập cho gia đình.

Giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội. Hộ nghèo, hộ cận nghèo đều nhận được sự quan tâm, trợ giúp kịp thời về nhà ở, nguồn sinh kế, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm… Với những hộ đã thoát nghèo luôn được tạo điều kiện để người dân thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo.

Chị Nhan Thị Duyên, ở ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho biết: “Gia đình tôi đã thoát nghèo cách đây 2 năm. Năm 2023 này, chính quyền địa phương đã xem xét hỗ trợ gia đình mô hình nuôi dê. Với sự hỗ trợ này, tin rằng kinh tế gia đình sẽ ngày càng phát triển, tránh tình trạng tái nghèo”.

Những năm qua, từ nguồn ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép với chương trình, dự án, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Việc vận động xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương được quan tâm, đẩy mạnh. Các cấp, các ngành, địa phương giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững... Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”...

“Vui mừng khi thấy đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hậu Giang ngày càng được nâng lên”

Dự và phát biểu tại lễ khánh thành, bàn giao 1.400 căn nhà đại đoàn kết vừa qua tại Hậu Giang, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Nổi bật là trong 20 năm thành lập, tỉnh vận động xây dựng hơn 11.000 căn nhà tình nghĩa. Chủ tịch nước hoan nghênh tỉnh Hậu Giang đã phát động xây dựng và bàn giao 1.400 căn nhà đại đoàn kết trong năm 2023.

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi thấy đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hậu Giang ngày càng được nâng lên. Thời gian tới, Chủ tịch nước mong muốn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người dân, quan tâm sửa chữa các căn nhà tình nghĩa, tình thương đã xây dựng trước đó…

Theo BÍCH CHÂU (Báo Hậu Giang)