Giao dịch nền tái định cư: Thận trọng về giá rẻ và tính pháp lý

25/03/2025 - 08:50

“Qua môi giới, tôi hay tin cán bộ bên Ban Quản lý các khu công nghiệp Hậu Giang có bán suất tái định cư Khu dân cư Đông Phú với giá thấp. Thấy người bán là công chức nhà nước, hồ sơ đều có chứng thực, xác nhận đầy đủ nên tôi tin tưởng mua mà đâu hay biết mình bị lừa”, một nạn nhân kể lại.

Phiên tòa xét xử Huỳnh Ngọc Dũ cùng các đồng phạm lừa bán nền tái định cư cho người dân.

Tái định cư là chính sách được Nhà nước áp dụng khi thu hồi đất nhằm đảm bảo người có đất bị thu hồi có điều kiện tiếp tục duy trì, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn diễn ra nhiều trường hợp người được bố trí tái định cư chuyển nhượng nền tái định cư cho người khác, còn người mua thì không rõ tính pháp lý nên dễ dẫn đến các hành vi lừa đảo và phát sinh tranh chấp.

Sau thời gian xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên án vụ án gây xôn xao dư luận liên quan vụ án Huỳnh Ngọc Dũ, cựu Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cùng các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức bán nền tái định cư “ảo” xảy ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2019. 

Trước đó, vào đầu năm 2019, khi Dũ còn đương chức, nghe thông tin toàn bộ ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, nằm trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp. Dũ không cần biết các hộ có đủ điều kiện được tái định cư hay không, nhưng y đã nhờ môi giới gặp những hộ sống tại đây để mua suất tái định cư “non” của người dân với giá từ 80-120 triệu đồng/suất. 

Để nhận tiền của Dũ, người dân sẽ cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, căn cước công dân và ký tên vào hồ sơ, chưa ghi phần nội dung như giấy ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng đất, đơn xin nhận tiền tái định cư, biên bản giao đất ngoài thực địa, biên nhận. 

Khi có được giấy tờ từ người dân, Dũ tự điền thông tin vào tờ ủy quyền đã được các hộ dân ký trên giấy trắng trước đó. Qua đây, Dũ đem đến UBND thị trấn Mái Dầm, nhờ “mối quan hệ” chứng thực rồi sử dụng các bộ hồ sơ này, để gạ bán 137 nền tái định cư “ảo” cho nhiều người khác nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 27 tỉ đồng.

Như trường hợp của ông T., ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, ông T. nghe thông tin Dũ bán nền tái định cư giá rẻ nên đã mua 18 nền của Dũ, với số tiền hơn 2,2 tỉ đồng.

Ông T. cho biết: “Qua môi giới, tôi hay tin Dũ làm bên Ban Quản lý các khu công nghiệp Hậu Giang có bán suất tái định cư Khu dân cư Đông Phú với giá thấp. Thấy người bán là công chức nhà nước, hồ sơ đều có chứng thực, xác nhận đầy đủ nên tôi tin tưởng mua mà đâu hay biết mình bị lừa”. 

Còn ông K., ngụ tỉnh Kiên Giang, khi đó cũng nghe lời Dũ là giá nền tái định cư thấp, pháp lý rõ ràng, nên ông đã mua 20 nền và chuyển cho Dũ 4 tỉ đồng. “Khi hay tin Dũ bị bắt, tôi mất ăn mất ngủ cả tháng vì trót dại mà tin lời Dũ”, ông K. bày tỏ. 

Chính sách cấp nền tái định cư với mục đích giúp người dân có chỗ an cư khi bị thu hồi đất. Thế nhưng, nhiều đối tượng đã lợi dụng ý nghĩa nhân văn đó để thực hiện các chiêu trò lừa đảo. Trong đó, thủ đoạn phổ biến nhất là lừa bán đất nền tái định cư “ảo”, hoặc đem một nền tái định cư bán lại cho nhiều người.

Theo bà Đặng Hồng Luyến, Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, hiện nay, một số hộ dân có nhu cầu đất đai, nhà ở nên tìm đến những phần đất có giá trị thấp để chuyển nhượng. Đánh vào tâm lý này, một số đối tượng môi giới đất sẽ giới thiệu những sản phẩm gọi là suất tái định cư để người dân nhận chuyển nhượng. 

Tuy nhiên, khi người dân nhận chuyển nhượng những nền đất này, thường không nắm rõ được tình trạng pháp lý. Từ đó, dễ dàng trở thành nạn nhân trong những vụ án lừa đảo như trên. Vậy nên, theo bà Luyến, khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người dân cần tìm hiểu rõ ràng về tình trạng pháp lý.

Theo luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, việc mua bán các quyết định giao nền tái định cư xảy ra khá phổ biến trong thực tế. Về mặt pháp lý, hiện nay pháp luật không có quy định cấm việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, giao dịch này tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, vì các nền tái định cư về bản chất được cấp cho người dân bị thu hồi đất đủ điều kiện tái định cư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên họ. 

Cụ thể như, có thể xảy ra rủi ro khi người bán đã nhận được tiền từ người mua thì không loại trừ trường hợp người mua lẩn tránh việc sang nhượng. Ngoài ra, rủi ro còn có thể xảy ra trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi giấy này cấp cho người nhận tái định cư, nếu được chuyển nhượng nhiều lần thì người cuối cùng sở hữu sẽ khó tìm ra người đầu tiên để làm thủ tục. Trong một số trường hợp, người chủ gốc còn gây khó khăn trong thủ tục chuyển nhượng, đòi thêm chi phí phát sinh...

Luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tham gia mua bán đối với các giao dịch trên để tránh bị lừa, cũng như phát sinh tranh chấp.

Theo Báo Hậu Giang