Thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng
Cà Mau là tỉnh có địa hình thấp, 3 mặt tiếp giáp với biển, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nước mưa được điều tiết trữ lại trên hệ thống kênh rạch, không có nguồn nước bổ sung từ nơi khác đến; hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ. Mặc dù hằng năm, tỉnh đã đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống cống bọng, nạo vét kênh rạch tạo nguồn, bồi trúc các tuyến đê để khép vùng giữ ngọt, nhưng với mức độ gay gắt và kéo dài của hạn hán, mặn xâm nhập đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất; đặc biệt, một số nơi, người dân gặp rất nhiều khó khăn về nước ngọt sinh hoạt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, mùa hạn hán năm nay, toàn tỉnh có hơn 2.600 hộ dân bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt, trong đó có hơn 1.700 hộ đặc biệt khó tiếp cận nguồn nước do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông bị chia cắt... “Để ứng phó với tình trạng này, tỉnh đã triển khai phương án thiết lập mới 46 điểm cấp nước tập trung cho người dân tại 10 xã thuộc các huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân, Thới Bình, Năm Căn, Cái Nước; đồng thời nâng cấp, mở rộng mạng cấp nước cho nhóm dân cư sinh sống gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được. Phần còn lại với khu vực đặc biệt khó khăn, chúng tôi đề xuất cấp nước tập trung theo tuyến, theo giờ để bảo đảm tốt nhất nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết.
|
Tàu vận tải của Lữ đoàn Vận tải 659, Cục Hậu cần Quân khu 9 bơm nước ngọt miễn phí cho người dân.
|
|
Lữ đoàn Vận tải 659, Cục Hậu cần Quân khu 9 bơm nước ngọt miễn phí cho người dân Cà Mau.
|
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ tháng 1 đến tháng 6-2024, khả năng hạn hán gay gắt, thiếu nước tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trước tình hình trên, tỉnh đã chủ động xây dựng phương án ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai giai đoạn 2023-2025. Tỉnh cũng đang quyết liệt tập trung thực hiện một số giải pháp để bảo vệ sản xuất như: Tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất trên từng lĩnh vực, điều chỉnh lịch mùa vụ sản xuất, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết; tổ chức rà soát, kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống, đập, đường giao thông, kịp thời xử lý sự cố sụt lún, sạt lở, tránh để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa.
Song song với các giải pháp nêu trên, tỉnh cũng triển khai một số biện pháp như: Kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đầu tư bồn nhựa 10m3 đặt tại các điểm: UBND xã, nhà văn hóa, vùng ven biển, hải đảo... để cung cấp nước cho người dân khu vực chưa có công trình cấp nước tập trung.
Ở đâu khó khăn, ở đó có bộ đội
Để cấp nước ngọt miễn phí cho bà con vùng hạn mặn, Lữ đoàn Vận tải 659 đã cử hơn 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng dân quân, đoàn viên, thanh niên tổ chức tại 3 địa điểm gồm: Sông Ông Đốc đoạn gần cầu Khánh An, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời; sông Trẹm đoạn đối diện UBND xã Biển Bạch, huyện Thới Bình và xã Khánh Thuận, huyện U Minh. “Khi được giao nhiệm vụ vận chuyển nước ngọt giúp nhân dân vùng bị hạn hán, mặn xâm nhập, chỉ trong một đêm, chúng tôi đã khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và lên đường làm nhiệm vụ ngay với mục đích đem nước ngọt đến cho bà con nhanh nhất có thể”, Thượng tá Nguyễn Phú Khang, Chính ủy Lữ đoàn Vận tải 659 nói.
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, có hơn 300 hộ dân ở xã Biển Bạch thiếu nước sinh hoạt, nhất là tại ấp Thanh Tùng và ấp 18. Hạn hán khắc nghiệt, nước sinh hoạt vô cùng khan hiếm, nhiều hộ dân không còn nguồn nước dự trữ, phải sử dụng nước nhiễm mặn cho sinh hoạt hoặc phải tốn chi phí cao để mua, đổi nước từ các tàu ghe với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/m3. “Mặc dù cũng đã có một số mạnh thường quân hỗ trợ nước ngọt để sinh hoạt nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân. Sự hỗ trợ của LLVT Quân khu 9 rất kịp thời, các đơn vị đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân”, đồng chí Trần Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch, chia sẻ.
Đón nhận những thùng nước mát lành trong thời điểm khắc nghiệt do bộ đội trao tặng tận nhà, ông Lê Văn Dợt, ấp Thanh Tùng xúc động cho biết: “Dù chỉ có một mình, nhưng từ trước Tết Nguyên đán đến nay, mỗi tháng tôi phải mất hơn 300.000 đồng để mua nước ngọt sử dụng. Được chính quyền địa phương thông báo hôm nay có bộ đội đến cấp nước miễn phí, tôi đã chuẩn bị các vật dụng đựng nước để có thể phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Không chỉ cấp nước miễn phí mà bộ đội còn tặng các dụng cụ chứa nước, hỗ trợ vận chuyển đến tận nhà cho người già, gia đình có con nhỏ”.
Là gia đình thuộc diện chính sách có hoàn cảnh khó khăn nên khi chứng kiến bộ đội không quản nắng nóng đem đến tận nhà những can nước trong lành, bà Lê Thị Loan và bà Nguyễn Thị Đậm (cùng ngụ tại ấp Thanh Tùng) chia sẻ: “Không có tiền mua nước ngọt nên từ lâu, gia đình chúng tôi phải sử dụng nước mặn cho sinh hoạt hằng ngày. Nay bộ đội cho nước miễn phí, chúng tôi rất vui mừng, cảm ơn các anh cũng như chính quyền địa phương”.
Theo chia sẻ của Thượng tá QNCN Trần Nam Hùng, Thuyền trưởng Tàu 18-11-58, Tiểu đoàn 84, Lữ đoàn Vận tải 659, quá trình di chuyển từ TP Cần Thơ về Cà Mau, tàu gặp khó khăn do phương tiện đi lại nhiều, có thời điểm đi trong đêm tối, kênh rạch cạn kiệt... nhưng các tàu đã mang nguồn nước ngọt quý giá đến với bà con đúng thời gian quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Ngoài việc vận chuyển nước hỗ trợ miễn phí, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền cho bà con về cách tiết kiệm nước và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, môi trường, nhất là trong điều kiện nắng nóng còn diễn biến phức tạp”, Thượng tá QNCN Trần Nam Hùng cho biết.
Việc vận chuyển nước ngọt cung cấp miễn phí cho bà con vùng hạn sẽ được LLVT Quân khu 9 thực hiện từ nay đến hết mùa khô, tùy thuộc vào tình hình thời tiết, yêu cầu của các địa phương và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Việc hỗ trợ vận chuyển, cấp nước ngọt kịp thời góp phần chia sẻ khó khăn với người dân, thể hiện tinh thần, trách nhiệm “ở đâu khó khăn, ở đó có bộ đội” của cán bộ, chiến sĩ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo QUANG ĐỨC (Quân đội nhân dân)