Ở thị trấn Long Hồ (Long Hồ, Vĩnh Long), trải qua hàng chục năm, xóm nghề chằm nón lá của nhiều người dân nơi đây vẫn tồn tại. Mặc dù không còn đông người làm nghề như trước, nhưng một số bà con nơi đây vẫn cố gắng bám nghề nhằm lưu giữ cái “duyên”, cái “hồn quê” sông nước trong từng chiếc nón lá- vốn do cha ông lưu truyền lại.
Theo trí nhớ của các bậc cao niên, làng nghề hình thành do một người đàn ông gốc Huế đến đây lập nghiệp, rồi truyền lại cho bà con. Cứ như thế, đời trước truyền cho đời sau và duy trì đến hiện nay.
Xóm nghề chằm chủ yếu 2 loại nón lá- nón lá đi ruộng và nón lá đi chợ. Nón đi ruộng được làm dày hơn, vành to hơn. Nón đi chợ cọng lá được lựa đều hơn, trau chuốt hơn, đẹp hơn. Ở đây, những người thợ giỏi nghề thường hay làm nón đi chợ. Giá của một chiếc nón đi chợ 30.000 đồng, nón đi ruộng 20.000 đồng.
Nón được làm bằng lá mật cật hoặc lá buông với vành bằng trúc vót tỉ mỉ nên có độ bền cao.
Theo cô Nguyễn Thị Ánh Hồng- một trong những thợ làm nghề lâu năm: “Công đoạn chằm nón mỗi nơi mỗi khác. Nếu như nơi khác, khi chằm nón người ta vừa chằm vừa kết vành, thì ở đây, các thợ kiềng 15 vành lên khuôn (hay còn gọi là mô) cố định hình nón. Sau đó tiến hành “lợp” và xoay đều 2 lớp lá rồi may, vừa may vừa giữ kết lá cho đều. Đến vành thứ 16 là lớp vành sau cùng, các thợ ở đây gọi là “nức” vành. Chiếc nón tròn, méo cũng được chỉn chu từ công đoạn này”.
Với một người thợ lành nghề như cô Trần Thị Thu Lan, có thể chằm khoảng 12 cái nón/ngày, vừa tạo ra khoảng thu nhập ổn định trang trải cuộc sống vừa có thêm thời gian coi sóc nhà cửa, con cháu. Chiếc nón đẹp kết cấu lá đều, một màu, đường may thẳng, đều, không khoan không nhặt, trang trí tao nhã…
Theo LIỄU-KHÁNH (Báo Vĩnh Long)