Giữ lấy hồn quê

23/02/2018 - 13:42

Chúng tôi tìm về những xóm nghề trong một ngày gần cuối năm, có lẽ đây là những nơi ăn tết muộn so với các nơi khác, vì ai cũng tất bật với công việc, vừa lo cho cuộc sống, vừa gìn giữ nghề truyền thống đã bao đời.

Cho mùi tết thêm thơm, thêm ấm

Những ngày cuối đông, khi những cánh mai vàng đua nhau khoe sắc cũng là lúc những người làm nhang bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, ai ai cũng chạy đua với thời gian để kịp đưa ra những bó nhang cho thị trường ngày tết. Ghé nhà ông Trần Văn Sang, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, lúc ông đang cho bột vào máy làm nhang, còn vợ ông, bà Trần Lệ Trúc mang nhang đi phơi, không khí làm việc tất bật, nhưng không thiếu tiếng cười nói vui vẻ. Nhanh tay cho tăm nhang vào máy, ông Sang chia sẻ: “Sắp đến tết rồi, chúng tôi cũng tranh thủ làm, kiếm thêm chút đỉnh tiền mua bánh mứt. Nghề làm nhang kiếm sống cũng được”.

Vợ chồng ông Hợp, bà Vi xem dệt chiếu là niềm vui lúc tuổi già.

Mấy năm trước, thấy người ta làm nhang cho thu nhập cao nên vợ chồng bà tìm hiểu học nghề, sau đó tập tành làm thử. Những cây nhang ban đầu tuy không được đẹp, có nhiều lỗi, nhưng làm riết rồi quen, sản phẩm hoàn thiện hơn. Trước nhu cầu của người tiêu dùng, vợ chồng ông bà đã mua máy làm nhang tự động về làm, bình quân mỗi ngày làm được 20kg nhang thành phẩm, kiếm được 200.000 đồng. Trò chuyện với chúng tôi một lúc, điện thoại của bà Trúc đổ chuông, có người hỏi đã đủ số lượng nhang để giao chưa? Nghề làm nhang này làm xuyên suốt quanh năm, nhưng dịp tết nhu cầu tăng lên. Chính vì vậy, những ngày cuối năm, ông bà làm từ sáng đến tối nhưng không hết việc, để kịp giao cho khách hàng.

Dẫu gắn bó với nghề làm nhang chưa lâu, nhưng bà Trúc rất thích nghề này. Trong cơn gió bấc của những ngày cuối năm, ngồi trong nhà ông Sang, bà Trúc một mùi hương dịu ngọt mà ấm áp của từng cây hương như hòa quyện cùng vị tết, mang hương xuân về gần hơn. Trò chuyện được ít câu, bà Trúc vội vàng mang những bó nhang thành phẩm đến cơ sở thu mua, để những bó nhang kịp tỏa hương trong các gia đình vào ngày tết dân tộc, mang xuân về với đất trời.

Theo những người trong nghề, nghề làm nhang không khó, nén nhang làm xong được phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm nhang khô, đẹp và giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng phơi một buổi, một ngày, trời râm phơi từ hai đến ba ngày. Nghề làm nhang liên quan đến tâm linh, nên thợ làm nhang cũng phải sống với nghề bằng cả cái tâm. Nhanh tay phơi những mẻ nhang cho kịp nắng, thấy chúng tôi đến, bà Hồ Thị Hồng, ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, cười nói: “Mấy đứa vô nhà ngồi chơi, tranh thủ trời nắng cô phơi mớ nhang này cho xong, thời tiết nắng ráo, nhang lên màu đẹp lắm”.

Phơi xong mẻ nhang, bước vào nhà, rót chén trà mời khách, bà Hồng hồ hởi: “Dẫu giờ đây có nhang điện, nhưng mọi người cũng chuộng nhang truyền thống. Trong mấy ngày tết, ai ai cũng thắp hương lên bàn thờ ông bà tổ tiên, để thêm phần ấm cúng”.

Nhờ nghề làm nhang này mà đời sống gia đình bà Hồng ngày càng ổn định. Mỗi ngày bà làm được 8-9kg nhang, trừ chi phí cũng còn khoảng 100.000 đồng, đủ xoay xở chi phí sinh hoạt hàng ngày. Theo bà Hồng, nghề làm nhang này không chỉ lưu giữ nén hương truyền thống, mà còn giúp gia đình bà có nghề ổn định.

Phảng phất trong làn khói thơm nồng, dịu ngọt của những nén hương là những nỗi niềm, hy vọng và tin tưởng về một năm mới đủ đầy, bình an của mỗi người làm nhang.

Lưu giữ chút hồn quê

Không khí mùa xuân càng trở nên rộn ràng, hối hả hơn khi có dịp trở về “xóm chiếu” ở khu vực 5, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, những ngày cận tết, bởi ở đó dư vị quê hương lại càng thêm đậm nét qua hình ảnh chiếc chiếu quê. Nhanh tay đưa lác vào khung dệt, bà Phan Thị Vi chia sẻ: “Tết nào cũng vậy, có nhiều nơi đặt hàng lắm, dệt không ngơi tay. Vợ chồng tôi quyết gắn bó với nghề bởi đó là cái nghề thấm đượm tình quê”. Để làm ra một chiếc chiếu thành phẩm chưa bao giờ là đơn giản, mà đòi hỏi người dệt phải có tâm với nghề, đặt tình cảm vào trong từng thước dệt mới tạo ra được chiếu đẹp và bền. Chính những điều này đã giúp danh tiếng “xóm chiếu” Ngã Bảy được nhiều người biết.

Dù giờ đây chỉ còn vài hộ gia đình gắn bó với nghề nhưng chính sự tận tâm, tỉ mỉ trong việc làm chiếu khiến cho người dùng cảm thấy tin tưởng. Được hình thành và phát triển hơn 60 năm là cả một quá trình dày công cực khổ, vất vả đem nghề truyền thống từ mảnh đất Bắc xa xôi (chủ yếu là người Ninh Bình) về với vùng đất Hậu Giang.

Bà Trúc yên tâm gắn bó với nghề làm nhang, bởi sản phẩm được tiêu thụ quanh năm.

Ông Trần Văn Hợp, vẫn nhớ về quê hương đất Bắc nơi “chôn nhau cắt rốn” bằng cái nghề dệt chiếu, tuy đã gần 60 tuổi, ông Hợp vẫn cần mẫn ngồi dệt chiếu cùng vợ - bà Vi. Dù số tiền dệt chiếu mỗi ngày chỉ đủ trang trải chi tiêu trong gia đình nhưng đó là cái tình, cái nghĩa và cái duyên đối với nghề. Chính dệt chiếu đã từng một thời trở thành thu nhập chủ yếu cho gia đình, nuôi con cái học hành. “Điều mong muốn của tôi là có thêm vốn liếng mua nguyên liệu để làm ra nhiều chiếu hơn. Đối với tôi, còn làm việc được là còn dệt chiếu”, ông Hợp nói.

Còn với cô Phan Thị Vân, có hơn nửa đời người gắn bó với nghề dệt chiếu, luôn mong muốn giữ lửa cho nghề, coi như giữ gìn một giá trị truyền thống tốt đẹp. Bởi vậy, cô dùng hơn 500m2 đất của gia đình để trồng lác. Phơi vội mấy bó lác vừa cắt từ sớm, cô Vân nói: “Làm chiếu vất vả, thu nhập lại thấp nên con cháu tôi chẳng ai chịu theo nghề. Tôi mong nghề dệt chiếu vẫn còn được lưu giữ mãi, đó là giữ cái hồn của quê hương, xứ sở”.

“Xóm chiếu” ở Ngã Bảy được phát triển từ sau năm 1954, sản xuất và giao hàng cho nhiều nơi lân cận như huyện Kế Sách (Sóc Trăng), huyện Phụng Hiệp,… Chiếu ở đây dày, lác dệt mịn (lúc trước dùng lác ở thị trấn Búng Tàu, còn giờ các hộ dệt mua lác ở Đồng Tháp), dây trân lớn, động tác dệt mạnh nên chiếu rất chặt, sử dụng được lâu và tất cả quy trình đều làm bằng thủ công. Bình quân, khoảng 6kg lác khô và 500 gram dây đai sẽ cho ra một đôi chiếu khổ 1m6 x 2m, với giá tầm 300.000 đồng. Bây giờ, nệm, chiếu tre, chiếu trúc,… đang thịnh hành và được người dùng ưa chuộng, những chiếc chiếu lác vẫn có vị trí riêng, vì chiếc chiếu là một chút hồn quê ở đó!

Hồn quê - đó cũng là hai từ mà chúng tôi muốn nói khi nhắc đến những xóm nghề, làng nghề truyền thống như vậy...

Theo CẨM LÌNH - HỒNG NHUNG (Báo Hậu Giang)