Có những phụ nữ theo và giữ nghề từ rất lâu, dù hiện nay sản phẩm làm ra bán với giá chưa cao, nhưng đây là công việc mà họ yêu thích và gắn bó gần hết đời người, với biết bao vui buồn.
Những người bà, người chị vẫn miệt mài với nghề đan đát truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Bé, Ấp 3, chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề đan đát đã hơn 50 năm, làm lâu quen nghề, công việc lại gắn liền với thu nhập kinh tế, cho nên hiện nay dù giá cả có bấp bênh nhưng tôi vẫn giữ nguyên tình yêu nghề, vẫn ngày ngày làm ra sản phẩm, bán kiếm thu nhập cho gia đình”.
Bên cạnh giá cả, đầu ra chưa ổn định, trở ngại lớn đối với nghề đan đát hiện nay là việc tìm nguyên liệu tre trúc ngày càng khó khăn. Do việc chuyển dịch sang nuôi tôm đã làm diện tích trồng tre trúc thu hẹp dần. Trước những trăn trở của bà con làng nghề, hiện các cấp, các ngành đang nỗ lực tìm hướng đi mới cho nghề đan đát truyền thống.
Chị Lữ Thu Hồng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nguyễn Phích, cho biết: “Nghề đan đát ở xã hiện nay mặc dù gặp một số khó khăn nhất định, nhưng thời gian qua được các cấp, các ngành quan tâm, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận giữ nghề của các bà, các chị trong làng nghề. Nhằm tạo cơ hội cho sản phẩm có đầu ra ổn định, hiện Hội LHPN xã đã liên kết với các điểm du lịch để đưa sản phẩm đan đát tới du khách tham quan, với đa dạng các sản phẩm được trưng bày. Nhìn chung, từ khi có hướng mới tiếp cận thị trường, những người làm ra sản phẩm rất phấn khởi. Số lượng chị em tham gia ngày một tăng, những tổ hợp tác đan đát cũng ra đời”.
Trải qua bao khó khăn, thăng trầm, nghề đan đát truyền thống ở xã Nguyễn Phích đã và đang tồn tại bởi những người phụ nữ cần mẫn. Ðặc biệt, có nhiều phụ nữ trẻ yêu nghề và quyết tâm giữ nghề truyền thống. Các chị đã tập hợp lại thành những tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Chị Liên Ngọc Giàu, Ấp 3, chia sẻ: “Hiện nay, tôi cùng với một số chị em trong ấp tập hợp nhau làm ra những sản phẩm truyền thống. Từ khi có sự định hướng của Hội LHPN xã, những sản phẩm làm ra của chị em dần khởi sắc, tiếp cận thị trường ngày càng đa dạng. Từ đó, chị em trong tổ rất phấn khởi”.
Phụ nữ ở Nguyễn Phích gắn bó với nghề truyền thống không chỉ để kiếm sống, mà nghề đan đát còn là một phần không thể thiếu trong văn hoá tinh thần, họ đã và đang góp phần gìn giữ nghề tồn tại qua bao thế hệ. Ðứng trước thách thức từ dòng chảy phát triển của đời sống hiện đại, nhưng với tình yêu nghề đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, tạo nên giá trị văn hoá bền vững. Những làng nghề truyền thống bao năm qua đã góp phần làm giàu thêm sắc màu văn hoá cho huyện U Minh nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung./.
Theo LÊ THỨC (Báo Cà Mau)