Giữ vững biên giới Tây Nam

12/09/2023 - 14:31

Cách đây 45 năm, vào năm 1978, những người con của Minh Hải tiếp tục chiến đấu để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc ở địa bàn Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Hà Tiên (nay là huyện Giang Thành), tỉnh Kiên Giang. Với tinh thần dũng cảm, gan dạ, Tiểu đoàn Bộ binh 3 Minh Hải quyết giữ vững trận địa, giành lại từng công sự, từng đoạn hào và đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch.

A A

Chiến đấu sau giải phóng

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30/4/1975 kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến trường kỳ của Nhân dân Việt Nam. Lực lượng vũ trang phần lớn rời chiến trường, về địa phương sum họp gia đình, xây dựng cuộc sống mới; chỉ còn một lực lượng nhỏ bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó có lực lượng vũ trang Minh Hải (nay là hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu).

Bọn phản động Khmer Ðỏ tiến hành cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia, ý đồ diệt chủng cả hai nước. Chúng giết hại dân thường ở đảo Thổ Chu (Kiên Giang), ở Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), đáng căm phẫn là ngày 18/4/1978, Pol Pot thảm sát hơn 3 ngàn người ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang...

Ðảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo khẩn trương củng cố, phát triển lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam Tổ quốc. Ngày 10/3/1978, tỉnh Minh Hải thành lập Tiểu đoàn Bộ binh 3 tại khu Bình Hưng (nay là xã Tân Hải, huyện Phú Tân). Sau đó vận động tân binh ở các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi về đóng quân ở xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu (nay là TP Bạc Liêu). Tiểu đoàn Bộ binh 3 có 350 đồng chí, biên chế thành 5 bộ phận, gồm 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội trợ chiến và bộ phận tiểu đoàn bộ.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phối hợp luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu. (Ảnh tư liệu).

Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Bộ binh 3 có đồng chí Ba Ðức, Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Ba Thảo, Chính trị viên; đồng chí Tám Hùng, Tiểu đoàn phó; đồng chí Tám Nghĩa, Chính trị viên phó; đồng chí Minh Ba, Tiểu đoàn phó và đồng chí Sáu Hạnh, Tham mưu trưởng. Ðơn vị tiến hành huấn luyện cấp tốc về chiến thuật, kỹ thuật cho bộ đội. Ðến ngày 16/10/1978, Tiểu đoàn được lệnh chi viện cho tỉnh Kiên Giang.

Tiểu đoàn Bộ binh 3 Minh Hải tiếp nhận trận địa phòng ngự trên địa hình đầy nước do trận lụt lịch sử năm 1978 chưa rút. Với sự đoàn kết thống nhất cao, lực lượng khắc phục mọi khó khăn, ngày đêm xây dựng hoàn thành trận địa phòng ngự, cắt đứt tuyến đường huyết mạch của địch tiến công bằng bộ binh vào hướng Nhà máy Xi măng Hà Tiên. Ðại đội Bộ binh 1, Tiểu đoàn Bộ binh 3 phòng ngự điểm kênh Cỏ Que nối liền giữa Trà Phô với Trà Ten; cùng chiến đấu có Tiểu đoàn địa phương quân huyện Trần Văn Thời và Tiểu đoàn địa phương quân huyện Vĩnh Lợi.

Mưu trí, dũng cảm, lập nhiều chiến công

Sáng 29/11/1978, địch tấn công vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn huyện Vĩnh Lợi, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, do hoả lực địch quá mạnh nên lực lượng tạm lui về phòng ngự tuyến 2. Chiều cùng ngày, địch tiếp tục tấn công, cán bộ, chiến sĩ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Khi địch đến gần, cả trận địa đồng loạt nổ súng diệt trên 100 tên địch trước công sự; ngăn chặn tại chỗ, làm cho đội hình địch rối loạn, đẩy lùi 2 đại đội địch ra khỏi trận địa.

Ðại tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 3 Minh Hải, kể: "Trong chiến đấu, nổi lên nhiều tấm gương sáng về lòng dũng cảm, đức hy sinh như: sự chỉ huy khôn khéo của đồng chí Ba Khởi, Chính trị viên Ðại đội Bộ binh 2; đồng chí Lê Minh Ngọc, Ðại đội phó Ðại đội Bộ binh 2, bị thương nặng nhưng không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; đồng chí Võ Hoàng Việt bắn 30 phát B40 và nhiều loại vũ khí khác nhau để giữ vững trận địa; đồng chí Phạm Thanh Bình bắn 50 phát ÐK75 ra máu lỗ tai; đồng chí Phan Thanh Xuân, Ðại đội Bộ binh 3 bị thương nặng, dùng dao cắt bỏ chân để tiếp tục chỉ huy chiến đấu...".

Thế địch mạnh nhưng không thắng nổi sự mưu trí, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng. Sáng 8/12/1978, địch bất ngờ tập kích vào trận địa phòng ngự. Tiểu đoàn Bộ binh 3 và Tiểu đoàn địa phương quân huyện Trần Văn Thời nhanh chóng lập tuyến phòng ngự thứ 2, kiên quyết ngăn chặn không cho địch phát triển, cắt đứt lực lượng phía sau lên, khôi phục thành công trận địa phòng ngự.

Sau 2 tháng phòng ngự, Tiểu đoàn Bộ binh 3 cùng các lực lượng chiến đấu trên 20 trận, tiêu hao, tiêu diệt hơn 2 trung đoàn địch, bắn chết và bị thương hơn 1 ngàn tên địch, thu trên 100 súng các loại, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo. Nhận được mệnh lệnh khẩn cấp, ngày 1/1/1979, Tiểu đoàn Bộ binh 3 tiến công lên Giồng Kè, sau đó đánh sang Campuchia. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn tổ chức lại đội hình chuyển từ chiến thuật phòng ngự sang chiến thuật vận động tiến công.

Ngày 7/1/1979, cùng với các lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công giúp bạn giải phóng Campuchia, Tiểu đoàn Bộ binh 3 đánh chiếm ngã ba Cần Thoa, huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot, sau đó đánh sang thị xã Túc Mía.

Ðại tá Nguyễn Xuân Hùng cho biết: "Ðầu tháng 2/1979, biên giới phía Bắc bị quân đội Trung Quốc tấn công, Tiểu đoàn Bộ binh 3 nhận được lệnh rút quân về nước; một bộ phận Tiểu đoàn Bộ binh 3 tách - thành lập Tiểu đoàn Bộ binh 1 Minh Hải, ra biên giới phía Bắc, phối hợp đánh bại âm mưu lấn chiếm biên giới của Trung Quốc. Tiểu đoàn Bộ binh 3 tiếp tục củng cố lực lượng làm nhiệm vụ cơ động của tỉnh, bảo vệ quốc phòng trên địa bàn tỉnh Minh Hải, ngăn chặn nhập biên của các đối tượng phản động từ nước ngoài về móc nối chống phá cách mạng Việt Nam".

Nhìn lại lịch sử, Tiểu đoàn Bộ binh 3 Minh Hải từ ngày thành lập và suốt quá trình xây dựng, huấn luyện chiến đấu luôn phát huy tốt truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, góp phần tô điểm truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống của Ðảng bộ, Nhân dân Cà Mau anh hùng./.

Theo MỘNG THƯỜNG (Báo Cà Mau)