Tàu cá ngư dân Kiên Giang trên vùng biển Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Sau thời gian khá dài nằm bến, tạm ngừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn, bất lợi, tàu cá của ngư dân Kiên Giang hiện nay bắt đầu ra biển đánh bắt trở lại.
Tuy nhiên, để ngư dân tỉnh vươi khơi, bám biển rất cần những giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần phát triển bền vững, hiệu quả nghề cá Kiên Giang.
Nhiều khó khăn, bất cập
Ông Nguyễn Văn Diều, ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành có 10 tàu cá khai thác xa bờ, công suất từ 500 CV/tàu trở lên, đang đánh bắt trên biển 6 chiếc.
Trong tình hình dịch COVID-19 hoành hành thời gian vừa qua cùng với chi phí ra khơi tăng cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là giá dầu, ông Diều và bà con ngư dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ tàu buộc phải cho tàu nằm bến, ngừng khai thác đánh bắt.
Ông Diều cho biết: “Đánh bắt thua lỗ trong chuyến biển trước đó, giá dầu tăng cao, thiếu vốn, thiếu lao động... nhiều anh em trong nghề không còn khả năng tài chính để hoạt động, nhất là thời điểm giá dầu vượt mức 25.000 đồng/lít, hơn 50% tàu cá ở đây không ra biển. Nhiều anh em vay mượn tiền đưa tàu đi đánh bắt nhưng không được phải để tàu nằm bến.”
Ông Diều và nhiều chủ tàu cá ở đây cho biết thêm một chuyến biển cho 1 cặp tàu ra khơi đánh bắt cần vốn đầu tư ban đầu từ 2 tỷ đồng trở lên.
Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản trên ngư trường suy kiệt, sản lượng khai thác thấp, giá cả hải sản không tăng, bất ổn định, thậm chí xuống thấp.
Cụ thể, thời điểm giá dầu ở mức 16.000-17.000 đồng/lít, khô mực giá bình quân 500.000 đồng/kg và cá các loại 17.000-18.000 đồng/kg thì khi giá dầu tăng hơn 25.000 đồng/lít, giá sản phẩm hải sản vẫn ở mức này, khiến ngư dân thua lỗ nặng.
Anh Trần Minh Mẫn, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, có 10 tàu cá khai thác xa bờ, công suất từ 750 CV/tàu trở lên, hiện có 4 tàu tạm ngừng hoạt động.
Anh Mẫn chia sẻ: “Sau chuyến biển vừa rồi trở về, hai cặp tàu đánh bắt thua lỗ phải nằm bến do chi phí tăng gần gấp đôi so với trước đó, khai thác không đạt sản lượng, giá hải sản không tăng, lỗ tiền nhân công và không bù được những chi phí khác. Hiện nay, sáu tàu đang khai thác đánh bắt trên ngư trường chưa biết kết quả như thế nào, nếu trở về tiếp tục thua lỗ thì chắc ngừng hoạt động. Giá dầu phải dưới 20.000 đồng/lít cùng với những chi phí khác giảm xuống thì tàu mới có khả năng ra khơi khai thác đánh bắt, bà con duy trì bám biển.”
Khó khăn trong khai thác đánh bắt hiện nay của ngư dân Kiên Giang là thiếu vốn lưu động ban đầu, tàu cá hoạt động kém hiệu quả nhưng việc trả lãi, vốn đến kỳ hạn ngân hàng đang là một áp lực lớn đối với nhiều bà con ngư dân.
Nhiều tàu cá công suất nhỏ của ngư dân neo đậu tại kênh cống số 3 thuộc địa bàn xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Nhiều chủ tàu cá gọi bán tàu với giá chỉ bằng 50% vốn đầu tư ban đầu, thậm chí giảm thấp hơn nhưng không ai mua và hệ lụy của tàu nằm bến là vừa xuống cấp, hư hỏng nhanh, vừa không có tiền đóng lãi, trả vốn vay ngân hàng, kinh tế gia đình kiệt quệ.
Tiếp đến, khó khăn trong khai thác đánh bắt của Kiên Giang hiện nay là thiếu nghiêm trọng nguồn lao động trên tàu.
Anh Trần Minh Mẫn cho biết thêm: “Một cặp tàu cá ra khơi cần 20 lao động và phải tạm ứng trước cho mỗi người 20 triệu đồng mới xuống tàu. Vì không tạm ứng trước sẽ không có lao động, tàu không thể ra khơi hoạt động. Tuy nhiên, khi tạm ứng tiền rồi, tàu chuẩn bị xuất bến thì họ bỏ trốn hoặc ra biển làm việc cầm chừng, thậm chí nhảy xuống biển lên tàu khác trốn về đất liền... Chủ tàu không những mất tiền mà chuyến biển đó khai thác đánh bắt thua lỗ. Ngoài ra, thiếu những thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm, lành nghề biển.”
Kiến nghị giải pháp đồng bộ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh có đoàn tàu đánh bắt hải sản trên ngư trường lớn nhất nước, với tổng sản lượng khai thác trong 9 tháng ước hơn 400.000 tấn hải sản các loại, đạt gần 82% kế hoạch, bằng 93% so cùng kỳ năm ngoái, giảm gần 30.000 tấn.
Đại diện lãnh đạo sở cho hay chi phí vật tư đầu vào hoạt động đánh bắt trên ngư trường tăng, thiếu lao động nên khai thác hải sản xa bờ gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, giá dầu tăng nên mỗi chuyến biển (30 ngày) đối với 1 cặp tàu lưới kéo có công suất 1.400CV khai thác vùng khơi phát sinh chi phí hơn 400 triệu đồng; đối với tàu khai thác vùng lộng (10-20 ngày/chuyến), trừ chi phí sản xuất còn khoảng 20-30 triệu đồng/chuyến, có những trường hợp không lời và thua lỗ nặng nề.
Ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ ngư dân tháo gỡ khó khăn đưa tàu ra khơi, phấn đấu 3 tháng cuối năm, sản lượng khai thác hải sản hơn 88.000 tấn, nâng tổng sản lượng cả năm trên 488.100 tấn, đạt 100% kế hoạch năm.
Trước mắt, phần lớn chủ tàu cá kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp kéo giảm giá dầu, ổn định ở mức dưới 20.000 đồng/lít, chỉ đạo ngành ngân hàng khoanh nợ, giảm hoặc miễn lãi suất vốn đã vay và tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vay vốn để đưa tàu ra khơi.
Ông Nguyễn Văn Diều bày tỏ: “Nếu ngân hàng hỗ trợ cho bà con ngư dân khoanh nợ, miễn hoặc giảm lãi suất 5-7 tháng thì bà con an tâm bám biển khai thác đánh bắt, cải thiện tình hình nghề cá. Hiện nay do áp lực tiền lãi hàng tháng, trả vốn định kỳ nên bà con khó đưa tàu ra khơi, tàu nằm bến ngừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng lên.”
Ngư dân cũng mong muốn tìm thêm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, đề nghị tỉnh tạm dừng, không phát triển đóng mới tàu cá vì ngư trường khai thác đánh bắt đã quá tải kết hợp thực hiện giải pháp khôi phục nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh cần quy định khai thác theo mùa vụ, 1 năm đánh bắt 6-7 tháng (tháng 4-10) để có thời gian cho biển tái tạo nguồn lợi tự nhiên, cấm khai thác đánh bắt vào thời điểm thủy sản sinh sản, xử lý mạnh tay đối với những trường hợp vi phạm vùng cấm khai thác, khu bảo tồn biển xâm hại nguồn lợi thủy sản.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết tỉnh tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để ngư dân đưa tàu ra khơi đánh bắt.
Ngành chức năng tăng cường việc quản lý, đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá chặt chẽ, nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả hoạt động khai thác.
Tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Tiếp đến, tỉnh tập trung triển khai thực hiện dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang, đề xuất sắp xếp cơ cấu nghề khai thác tỉnh Kiên Giang.”
Tỉnh chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ, khuyến khích phát triển những nghề có tính chọn lọc cao và nghiêm cấm những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh tổ chức các hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí.
Phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên ngư trường.
Tỉnh tổ chức khai thác thủy sản theo hình thức đồng quản lý kết hợp bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác thủy sản để tạo điều kiện đầu tư cho ngư dân phát triển ngành nghề, đồng thời liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp khai thác hải sản và ngư dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm...
Theo LÊ HUY HẢI (TTXVN)