Gỡ vướng cho nông dân

30/05/2022 - 08:29

Những vấn đề trăn trở chính của nông dân hiện nay là: Giá đầu ra nông sản và chi phí đầu vào; hạ tầng thủy lợi; tổ chức sản xuất; chính sách tín dụng; việc học hành, chuyển đổi nghề của con em mình...

Đây cũng là những nội dung chính được nêu lên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, tổ chức ở tỉnh Sơn La sáng 29-5. Buổi đối thoại này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Giá bán nông sản và chi phí vật tư đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận mỗi vụ của nông dân. Vì thế, họ rất cần thông tin, dự báo thị trường đầu vào, đầu ra rõ ràng để chủ động trong sản xuất. Thực tế hiện nay, thông tin về vật tư nông nghiệp nói chung xuất hiện dày đặc, song thông tin về giá cả lên xuống của vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra còn rất ít.

Vấn đề tiếp theo mà nông dân quan tâm là hiệu quả sử dụng đất gắn với hạ tầng thủy lợi phát triển ra sao, hệ sinh thái nông nghiệp như thế nào? Từ đó, họ mới lựa chọn, quyết định trồng cây gì, nuôi con gì cho bền vững và hiệu quả lâu dài. Cùng với đó, việc tổ chức sản xuất phải đủ mạnh để kết nối nông dân với thị trường, với doanh nghiệp. Chính quyền và các sở, ngành, địa phương phải đứng ra tổ chức, kết nối chuỗi liên kết.

Một vấn đề nữa rất quan trọng là tín dụng. Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nông dân tiếp cận tín dụng phù hợp. Sản xuất mà không có vốn thì nông dân không cách nào khác là phải mua vật tư trước trả tiền sau, nên bị lệ thuộc vào giá cả vật tư hơn là vào chính sách khuyến nông của nhà nước.

Mặt khác, để có nguồn nhân lực chất lượng cao ở nông thôn thì con em nông dân cần phải học. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ chuyện học hành cho con em nông dân, nhất là nông dân nghèo.

Trong lần Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2019, tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều người đã đặt câu hỏi rất cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, một số bộ, ngành lại không đi thẳng vào vấn đề mà hỏi lại nông dân đó ở địa phương nào rồi nhường quyền trả lời cho địa phương. Cũng có bộ, ngành trả lời một cách chung chung, như định hướng của nhà nước là phải thế này; theo văn bản a, văn bản b thì phải thế kia... Nói chung, nông dân không hình dung hay nắm bắt được thông tin gì với cách trả lời như thế. Các bộ, ngành khi trả lời nông dân cần phải dễ hiểu, không nên viện dẫn văn bản hành chính.

Do đó, cuộc đối thoại lần này giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân là rất cần thiết. Đây là dịp để nông dân trực tiếp bày tỏ những khó khăn, vướng mắc và đặt ra nhiều vấn đề mà họ quan tâm với Thủ tướng. Từ đó, nông dân sẽ nắm được hướng giải quyết các vấn đề và ai giải quyết vấn đề đó. Cuộc đối thoại lần này cũng cho nông dân biết những vấn đề mà họ quan tâm, đặt ra trong lần đối thoại trước đã được giải quyết ra sao... 

(*) Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Trường ĐH Cần Thơ

PGS-TS NGUYỄN VĂN SÁNH

Theo Người lao động