Goá phụ biển

21/10/2019 - 10:11

Từ ngày cái làng ven biển nơi cuối trời Tổ quốc này được nhắc trên báo với cái tên đầy nước mắt "Làng goá phụ", cũng là lúc Liên trở thành hòn đá chờ chồng không hồn ở mé biển. Anh Bền, chồng Liên đã mất tích trong cơn bão Linda hung ác đó.

Hồi đó Liên 20, lấy Bền được hơn năm, cái mặn mà thời con gái còn chưa giảm thì bão ập đến. Nhớ đêm bão nổi, cái đài nhà cô cũng như các nhà khác đều vang vang báo bão, Liên và các phụ nữ trong xóm nằm trốn dưới bộ vạc mà tim đau theo từng cơn gió. Có lẽ đêm đó là đêm sợ hãi nhất của làng này, tiếng gió thét, tiếng mái nhà đổ vỡ, tiếng sóng gào như nuốt chửng tất cả… 

Liên lo lắng cho chồng sẽ chống chọi sao với cơn bão ngoài khơi? Trong bờ may ra còn có cây cối bấu víu, ngoài đó chỉ có sóng và nước, bốn bề mênh mông, tối mịt… 

Mới tháng trước, Bền còn xoa bụng cô: “Ngoan! Con ở nhà mau lớn, không được quấy mẹ, tháng sau cha vô mua thêm sữa gửi vào bụng cho con uống nghen!”. Liên mong từng ngày con lớn và từng ngày đến “tháng sau” để anh về, nhưng giờ... chắc gì có “tháng sau”.

Liên nhớ hồi nhà Bền qua hỏi cưới, mẹ cô nhất quyết không cho: “Con lấy ai thì lấy, không được lấy ngư phủ”. Hồi đó cô 18, làm sao hiểu được câu nói của mẹ, trong lòng cô lúc đó chỉ có tình yêu, cô và Bền yêu nhau từ lúc còn cắp sách đến trường, hai đứa vô tư trên chiếc xe đạp. Lúc đó đối với Liên, tình yêu còn rộng lớn hơn biển cả. Thế là, cãi nhau một trận to với mẹ, tuyệt thực 4 ngày và được lấy Bền.

Chiều hôm nay nữa là ngày thứ 10 từ khi bão qua, Liên ra ngồi mé biển, chờ Bền. Nước mắt giàn giụa. Lúc này chỉ có những con sóng kia mới biết Bền đang ở đâu. Nhưng sóng không nghe lời cô hay tại cô không hiểu, sóng vẫn rì rào xô nhau vào bờ. 

Loa loa: “Có 2 thi thể trôi dạt vào bờ, đã được cơ quan kéo lên, đặc điểm nhận dạng hiện tại không còn rõ hình hài, bà con ai có người nhà chưa về ra xem để nhận dạng”.

Đây là lần thứ mấy mươi Liên nghe thông báo kiểu như thế này cô cũng không nhớ rõ nữa, chỉ biết mang máng là rất nhiều rồi, mỗi lần như thế là mỗi lần cô chết điếng trong tim. Nghe quen đến nỗi khi có người ở xã thông báo “loa loa” là cô chạy ngay ra mé biển, nơi mà các phụ nữ trong làng tập hợp đông nhất sau cơn bão. Chạy thật nhanh từ nhà ra phía ấy, nhưng đoạn gần đến khoảng đất tập hợp xác người dạt vào bờ chỉ vài bước thôi lại là đoạn xa nhất, Liên chưa chi đã khóc, bàn chân cô như nhói đau. Cô khựng lại, cố chen qua dòng người trước mặt để nhìn những thi thể lồi lõm, sình ươn. Và lần này cũng vậy, 2 người đàn ông hình hài lởm chởm những lỗ thịt đã bị cá ăn đang nằm dưới nền đất lạnh không phải là Bền. Bỗng nghe tiếng nấc chết điếng từ người đàn bà phía đối diện, lê người đến cái xác đang phân huỷ còn lã chã nước, khuôn mặt nham nhở lỗ thịt rồi ôm ghì lấy cái xác bên trái, thét oà lên hai tiếng trong nước mắt “chồng ơi…” rồi ngất lịm đi… Mọi người ở đó đều không cầm được lòng mình, ai cũng oà khóc theo.

Chỉ riêng Liên là nín lặng. Nín lặng vì cô không biết phải làm gì nữa, hoặc cô chẳng còn biết đau khi chứng kiến rất nhiều cảnh tượng như thế này trong những ngày qua. Nhiều lúc Liên nghĩ, ờ, chồng người ta trong làng này đã “về” gần đủ hết rồi, vậy còn Bền đâu? Biết có dạt vào những bờ khác hay không mà sao đến giờ không một tin tức…

Minh hoạ:  M. Tấn

Bụng ngày càng lớn, Liên định về nhà mẹ để dưỡng thai, nhưng về nhà mẹ xa mé biển này quá, thế thì còn ai đón Bền ở đây? Lỡ mai Bền về thì làm sao mà gặp? Lỡ mai… Thế là cô vẫn bám trụ lại căn nhà gần mé biển này, nơi đối với Liên đó là những kỷ niệm đẹp nhất của cô và Bền, nơi mà cô thấy an yên nhất khi ở bên anh. Nhưng sao giờ cũng chính nơi đó, chiếc giường đó, cặp gối uyên ương đó mà trống trải đến hoang vu. Và sáng sáng cô vẫn ngóng tin ở xã, mỗi chiều về vẫn ra mé biển chờ anh. Liên ngồi nghe sóng vỗ, nghe gió ru. Đâu đó, lời bà mẹ trẻ nào đưa con lay đều nhịp võng: 

“Ầu ơ… lấy chồng đi ruộng em theo

Chứ lấy chồng đi biển… ơ ầu…

Chứ lấy chồng đi biển… hồn treo cột buồm”

Liên gục đầu: Biển vô tận quá phải không Bền ơi…

Rồi lủi thủi ra về, khuất dần sau rặng đước nhập nhoạng đêm tối. Trên con đê mà ngày nào Liên còn quấn quýt bên chồng mỗi bận vô ghe, mà giờ nó lại thoai thoải dài như dòng nước mắt. Sóng vẫn ì ầm phía sau lưng, nghe mà thương đến não nề, đứt ruột. Và cứ thế, cứ thế, hễ chiều tà là người trong làng lại thấy Liên ra ngồi tựa vào tảng đá mé biển, đến độ khuôn mặt ấy tưởng chừng như vô ưu.

Lại đến kỳ giỗ của làng goá phụ. Sau trận bão năm ấy, cứ độ tháng 10 âm lịch là từ đầu làng đến cuối ngõ nhà nhà đều đám giỗ. Nhà Liên cũng thế, thấm thoát đã hơn 4 năm, Liên cũng đặt cái ảnh thờ lên tủ, cũng thắp nhang, cũng giỗ kỵ nhưng lòng Liên ray rứt lắm. Cô đã chất vấn chính mình, giày vò mình sau bao đêm ru thằng Đợi trong nghẹn ngào nước mắt… Ừ! Cô đặt nó là Đợi, cái tên nghe khờ ịch mà chân chất thật thà. Thật thà với chính lòng Liên trong căn nhà chỉ có hai mẹ con, trong cái gào múc nước mà Bền ngày xưa đã làm bằng gáo dừa mỗi khi Liên nhìn thấy. Thật thà với những chiều ngoài mé biển, thằng Đợi ngồi trong lòng Liên chỉ ngón tay nhỏ xíu ra bao la sóng nước và hỏi: “Cha ở đằng xa đó đang nhìn mình phải không mẹ?”.

Liên định không làm giỗ, không thờ cúng, không di ảnh gì, vì lúc nào Liên cũng mong Bền còn sống. Bền chỉ mất tích thôi mà, chỉ lạc nhau thôi, rồi ngày mai, ngày mai, Bền sẽ lại về... Nhưng lỡ Bền đã chết thì sao? Thôi thì cũng thờ cúng nhưng vẫn đợi vậy.

Hôm nay, Trung lại đến như mọi năm, đến từ rất sớm, phụ Liên làm mâm cơm giỗ chồng, cái giỗ đìu hiu nơi mé sóng. Chỉ vài người, không có khách tham dự vì nhà ai cũng giỗ. Mấy bà hàng xóm tạt ngang thắp nén nhang, buôn dăm ba câu hỏi rồi lại sang nhà khác. Luân phiên nhau như vậy để cho có mùi khói, hoặc để động viên nhau cũng như động viên chính mình. Ngoài xa, gió lại lùa vào, chỉ có tiếng lá đước và tiếng sóng làm cho không khí thê lương thêm.

Như nhịn không nổi cái im ắng ấy nữa, thêm tí nữa là Liên sẽ khóc, cô lên tiếng: 

- Đợi! Thắp nén nhang cho cha đi con.

Thằng nhỏ ngây thơ dễ thương đến nỗi làm đau lòng người, thắp nhang và vẫn khấn câu như mọi năm:

- Cha ơi! Cha mau về với Đợi nghen cha!

Trung trầm ngâm. Lúc nào Trung cũng trầm ngâm như thế. Lặng im. Đến thắp nén nhang rồi đưa mắt nhìn Liên như thể an ủi, như thể xoáy vào lòng Liên điều gì đó bâng quơ nhưng ấm áp lắm.

Cũng chính đôi mắt đó, đã thấy một thai phụ khóc đến ngất tím người ngoài mé biển, trong cái giỗ đầu tiên của Bền chỉ có mâm cơm bên chiều đầy sóng 4 năm về trước. Trung một lần đi cào sò cặp mé thấy cảnh đó đã đưa Liên vào trạm xá, rồi bác sĩ chuyển lên bệnh viện huyện vì sức khoẻ thai phụ quá yếu. Và anh phải làm người chồng bất đắc dĩ của Liên trong lần ký giấy tờ nhập viện đó. Rồi cứ thế, đã 4 năm ròng anh làm cha đỡ đầu của thằng Đợi. Khi thì qua nhà đóng lại bộ vạc, gò lại cây đinh, có hôm mưa gió lớn, nửa đêm anh cầm cây đèn pin mờ băng qua đoạn đê đầy sình, đến câu lại bóng đèn khi thấy nhà Liên tối thui vì đứt điện.

Lặng im. Trung vẫn lặng im. Chỉ mỗi khi anh qua, thằng nhóc Đợi chạy tới trước mặt kêu: “Cha! Cha!”, thì thấy được anh cười. Nụ cười hiếm hoi của kẻ đã từng trải qua quá nhiều ly tán, khổ sở. Nhiều lần bà Tư hỏi Trung: “Mầy thương con Liên rồi à? Nói để mẹ biết đường mà qua nhà hỏi ý nó. Lớn rồi, thương thì cưới. Con Liên nó đủ khổ rồi con ạ!”. Anh vẫn lặng im dù lòng khoắc khoải mỗi khi mẹ nhắc đến chuyện cưới Liên. Không phải vì anh không thương Liên, mà ngược lại, vì anh quá thương nên đành chọn im lặng như thế, vì anh biết, Liên chưa bao giờ quên được Bền, vì anh biết, lời ru của Liên chưa bao giờ hết buồn từ đêm bão năm ấy. Và anh cũng biết, Liên sẽ khóc, khóc rất nhiều khi anh nói chuyện cưới xin… Đành vậy, sông quê mình còn có nước lớn nước ròng mà, anh chờ, chờ ngày lời ru Liên nguôi buồn, Liên quên, và trái tim Liên biết yêu lại lần nữa. Như anh đang chờ ngày biển quê mình qua mùa bão dông. Anh sẽ đến và gìn giữ hạnh phúc ấy.

Cũng đôi lần anh nói vu vơ khi ẵm thằng Đợi trên vai ru nó ngủ, anh nói với con gà sau bếp nhưng cốt để Liên nghe: “Đời mày còn dài, tập cách yêu lại đi mày ơi, người ta không chết vì ngừng thở, nhưng người ta sẽ sống mà như chết nếu như không yêu một ai”. Liên biết chứ sao hổng biết, Liên biết hết, từ cái đêm mưa dầm dề mà anh chạy qua nhà nấu cho hai mẹ con nồi cháo trắng, vì Liên sốt đến không đi được, anh ngồi vừa đuổi muỗi vừa đút cho cô từng muỗng cháo, rồi quay qua dỗ thằng Đợi ngủ, anh cũng ru ầu ơi, cũng thức cả đêm lau trán cho cô bớt nóng. Khi cô ngẩng lên nhìn thì anh lại trốn ánh mắt cô. Phải rồi, cũng chính ánh mắt hiền từ và nhẫn nại đó của anh đã xoáy vào lòng Liên bao ngổn ngang suy nghĩ, bâng quơ và cũng mặn mà như ngọn gió biển nơi cuối trời này. Và đã suýt mấy lần, Liên không kiềm được mình định thốt ra tiếng “ừ” cho lòng nhẹ nhõm hơn.

Trung dọn chén đũa lên, bưng mâm cơm trên bàn thờ xuống, ngôi nhà nhỏ 3 người ngồi ăn cơm, thằng nhóc Đợi lại làm nũng cha nó, thằng còn nhỏ xíu mà hay ghê, biết mình được cha thương nên cứ đòi anh đút mới chịu ăn. Hay tại nó thiếu tình cha nên mới thế, tối ngày cứ chạy qua nhà kiếm Trung chơi trò nghé ngọ với nó. Trung và Liên nhìn thằng Đợi, rồi nhìn nhau cười, nhưng mỗi người lại có nét buồn man mác phảng phất nỗi niềm riêng.

Người đàn ông vai mang chiếc ba lô cũ, rách rưới, mặt nham nhở những vết xước, bước vào ngõ và khuỵ gối trước ngạch cửa khóc nức nở khi nhìn thấy Liên. Liên nhìn ra, ngẩn người như không hiểu chuyện gì đang xảy ra, rồi oà khóc chạy ra ôm chầm lấy người đàn ông, cả hai chỉ biết ôm nhau, nhìn nhau, rồi lại ôm nhau, rồi lại khóc. Hồi lâu, Liên đưa tay lên khuôn mặt, sờ từng vệt nham nhở vết xước, nấc nghẹn, gãy gập từng lời trong giàn giụa nước mắt: “Chồng ơi… anh Bền ơi… sao ra nông nổi này hả anh? Anh về rồi, về với mẹ con em rồi… anh ơi!”. Tội nghiệp thằng Đợi không hiểu chuyện gì nhưng thấy mẹ khóc, nó cũng oà khóc theo. Trung ngồi trên bộ vạc, lặng im không nói một lời. Ôm thằng Đợi vào lòng, vừa dỗ nó, vừa khóc.

Trong cái rủi còn có cái may, Bền được hải cảnh Thái Lan vớt đưa vào bờ khi thoi thóp trên ngọn sóng dập dềnh bão tố, nhưng anh lại bị án tù 4 năm vì khai thác thuỷ sản trái phép trên lãnh hải của Thái.

Và chiều hôm ấy, chiều hôm giỗ Bền. Có 4 người, 3 lớn, 1 trẻ ngồi ngoài mé biển nhìn hoàng hôn từ từ lặn dần xuống mặt nước, họ ngồi đó đến khuya, họ thì thầm cùng nhau những lời chỉ có biển mới biết.
Ừ thì, biển mênh mông quá, tàn nhẫn quá và cũng nhân từ quá. Như Liên và cả làng goá phụ nơi này đã thừa khổ đau để được hạnh phúc. Như biển, phải không biển ơi!.

Theo Báo Cà Mau