Một góc kỷ niệm của Trường THPT Lưu Văn Liệt (cũ) được nâng niu, cất giữ.
Đây không chỉ là điểm đến kết nối người có cùng sở thích, là dịp để người phố tâm tình về những hoài niệm xưa mà còn là nơi kể chuyện đời, giải tỏa mọi lo toan, phiền muộn.
Chốn yên ả giữa bộn bề
Gần một năm nay, không ít cựu học sinh rủ nhau về quán cà phê Robusta Koi Garden (Phường 4)- nơi lưu giữ “một chút kỷ niệm” của Trường THPT Lưu Văn Liệt (Phường 1- TP Vĩnh Long) trước khi được xây mới để ôn lại kỷ niệm một thời áo trắng.
Một góc nhỏ gợi nhắc hình ảnh ngôi trường có bề dày lịch sử gần 70 năm, gắn liền với bao thăng trầm của Vĩnh Long đã gây xúc động cho những học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường này.
Nhiều người biết, tìm đến quán không chỉ để nhâm nhi đồ ăn, thức uống mà chủ yếu ngồi lại với nhau để ôn chuyện cũ, bồi hồi rồi lại cười đến ra nước mắt vì tấm ảnh cũ, vì những nhận xét của thầy cô trong sổ đầu bài.
Bàn ghế học sinh, bảng đen, phấn trắng, sổ đầu bài hay đơn giản chỉ là viên gạch thẻ để xây trường xưa cũng được chị Dương Diệu Hiền- chủ quán, cũng là cựu học sinh trường nâng niu- lưu giữ cẩn thận.
Chị đã cất công xin về từ tấm bảng đen, bàn học, ghế ngồi, sổ đầu bài, bộ áo dài từ thời chị đi học cho đến viên gạch lót dưới sàn. Bảng tên trường là kết quả cả tháng trời chị đi “lùng sục” từ… các vựa phế liệu, vậy mà tìm vẫn thiếu một góc làm chị Hiền cứ canh cánh trong lòng.
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế quán, chị Dương Diệu Hiền nói mà mắt rưng rưng: “Thời điểm xây dựng quán cũng là lúc Trường THPT Lưu Văn Liệt bắt đầu được xây mới.
Ngôi trường đã tạo dấu ấn trong lòng biết bao người, là cựu học sinh trường nên tôi và nhiều bạn bè thấy xốn xang trong lòng. Tôi muốn góp nhặt chút gì để nhớ trường, nhớ lớp, bởi sau này khung cảnh trường xưa sẽ chỉ còn trong ký ức thôi”.
Cũng tạo điểm nhấn riêng cho quán, không sang chảnh, không hiện đại nhưng quán cà phê Bon (đường 2 Tháng 9- Phường 1) lại khiến nhiều người yêu thích, thậm chí “mê mệt” đến lạ bởi thiết kế, trang trí toàn đồ cổ, đồ xưa.
Đặt chân vào quán, sẽ có ngay cảm giác một chút thân quen, ký ức tuổi thơ bất giác ùa về, khi nhìn thấy những vật dụng hàng ngày như ấm nước, bức tranh, chén bát bằng gốm sứ, chiếc lư hương, cái hộp quẹt, cặp chân đèn,…
Đồ cổ, đồ xưa gợi nhớ một thời tuổi thơ, làm điểm nhấn giữa phố xá bộn bề.
Anh Trương Hớn Cường- chủ quán- chia sẻ: “Lúc 7- 8 tuổi, tôi đã rong ruổi mua đồ cổ với cha. Mở quán vì mê đồ cổ và phần nhiều vì muốn tạo điểm đến tin cậy, tạo sân chơi để anh em chơi đồ cổ tụ họp, học hỏi, trao đổi”.
Từ việc sở hữu khoảng 500 món đồ cổ, đến hiện tại, anh Cường có hơn 10.000 đồ cổ từ những vật dụng gần gũi nhất đến những vật chỉ có ở… nhà giàu như tấm hoành phi, liễn, câu đối. Ngoài bán đồ cổ, anh Cường lập quán cà phê và họp chợ đồ xưa- cũ vào mỗi thứ 5 và chủ nhật hàng tuần.
Mỗi phiên chợ thu hút từ 10- 15 gian hàng từ khắp các tỉnh- thành như TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh,… “Mình thích, mình trang trí mình ngắm thôi thì chỉ vui một nhưng có nhiều người cùng ngắm, chia sẻ như tìm được tri kỷ thì càng vui gấp bội”- anh Cường hào hứng nói.
Góc phố nhỏ không bao giờ bị quên lãng
Nhiều chủ quán thiết kế không gian quán mang hơi hướng hoài niệm này chia sẻ rằng: Mở quán này vừa để kinh doanh vừa muốn cùng chia sẻ với mọi người, nhất là các bạn trẻ, cùng ngắm những đồ vật cổ gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp của ngày xưa.
Có lẽ chính vì vậy, mà những quán cà phê như vậy đã nhanh chóng trở thành địa chỉ yêu thích của rất nhiều người.
Khách đến quán vừa nhâm nhi, thưởng thức cà phê, vừa ngắm nhìn những kỷ niệm xưa, những món đồ cổ vô giá. Đó là một cảm giác “ngày xưa ấy…” mà hiện nay không phải quán xá nào cũng có.
Những ngày giáp tết, Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim (Phường 4) cũng tạo điểm nhấn giữa phố xá ồn ào với một góc quê là chiếc cầu tre bắc ngang hồ nước nhỏ, bầy vịt con tắm mình đùa giỡn giữa đám bèo và bông súng đang trổ bông. Chiếc vó nằm vắt vẻo bên cạnh lu nước với cái gáo dừa bé xinh xinh… Nhìn sao dễ thương quá đỗi!
Anh Trần Tuấn Tú- phụ trách kỹ thuật Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim- cho hay: “Thông điệp Nguyễn Kim muốn gửi đến mọi người là ai cũng có nhiều hướng để đi nhưng chỉ có một nơi để tìm về, bình yên và gần gũi, thân thương”.
Đến với những góc phố nhỏ này, nhịp sống ồn ào của phố thị như bị bỏ quên ngoài kia. Nhiều người muốn tìm kiếm nơi để được thư thái, nhàn nhã và bình yên. Những điểm đến ấy đã trau chuốt từng chút một mảng ký ức tuổi thơ đã đánh mất của nhiều người, từng góc nhỏ, từng viên gạch đều là những thứ thuộc về quá khứ.
Một nơi chốn nhuốm màu hoài cổ- nơi quá khứ, hiện tại và tương lai quyện vào nhau lại là “làn gió mới” thổi hồn cho đô thị, tạo điểm nhấn lưu giữ đặc trưng văn hóa riêng biệt của đô thị Vĩnh Long và của cả vùng đất phương Nam.
Chị Đỗ Thị Anh Thư- cựu học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt
Tôi ra trường hơn 10 năm rồi, trường xưa giờ đã được thay bằng trường mới, hiện đại. Bên cạnh vui mừng thì cũng cảm thấy tiếc nuối. Biết được ở quán cà phê lưu giữ kỷ niệm của trường xưa nên tôi thường vào đây, vừa được thư giãn vừa được cùng bạn bè ôn lại kỷ niệm, cảm thấy vừa vui vừa bồi hồi khó tả”.
Anh Trương Hớn Cường
“Đến một lúc nào đó, mọi người sẽ ngồi lại hít hà nhớ những ngày xưa cũ. Cảm giác bắt gặp những món đồ ông cha từng dùng trong gia đình vừa mừng vừa xúc động khó mà diễn tả. Những đồ vật này không chỉ để ngắm mà còn gợi ký ức trong lòng mỗi người. Tôi nghĩ, dù thời gian có trôi qua bao lâu thì những món ăn tinh thần này sẽ không bao giờ phai mờ hay mai một”.
Chị Dương Diệu Hiền
Trong tương lai, tôi sẽ tổ chức một mô hình như lớp học giao tiếp tiếng Anh, mọi người có thể tụ họp về ôn lại ký ức xưa, giao lưu ca hát với nhau. Tôi còn ấp ủ dự định tạo nên một góc chợ quê, bày bán các loại bánh dân gian, thực phẩm sạch… đến với mọi người và mọi nhà.
|
Theo PHƯƠNG THẢO (Báo Vĩnh Long)