Hấp dẫn điểm du lịch Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười

21/06/2019 - 13:56

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười được thành lập từ năm 1999, có diện tích trên 100 ha và 1.800 ha vùng đệm nhằm giữ lại và bảo tồn cảnh quan, động thực vật đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười.

Đây cũng là khu bảo tồn duy nhất ở Tiền Giang, là mái nhà của những sinh vật đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười. Nơi đây hứa hẹn là một trong những địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng thu hút du khách.

Quang cảnh khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Theo ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, qua nghiên cứu, khảo sát, thống kê, tại đây có 156 loài thực vật, lớp chim 147 loài, lớp cá 34 loài, lớp lưỡng thê 8 loài, lớp côn trùng 30 loài sinh sống và phát triển.

Số lượng các loài chim đã có hàng vạn cá thể, được bảo vệ nghiêm ngặt, đang sinh sôi phát triển, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm như: Cò ốc, cổ rắn (điên điển), già đẩy, quắm đen, diệc xám, diệc lửa, cò ngà, dang sen…

Tại đây, địa phương đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông nội bộ, kênh mương dẫn nước, nhà quản lý, hàng rào bảo vệ… tạo môi trường sống tự nhiên và hoàn toàn biệt lập để các loài động, thực vật sinh sôi phát triển. Đặc biệt là ngăn chặn sự đánh bắt, khai thác hủy diệt của con người làm mất đi nguồn gen động thực vật quý hiếm, tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thiên nhiên đặc hữu Đồng Tháp Mười. Theo kế hoạch, thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thêm 124 ha.

Nhiều loài chim quý hiếm được nuôi dưỡng, bảo tồn tại khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Chính sách bảo vệ nghiêm ngặt, môi trường sống thuận lợi, yên bình và an toàn là những yếu tố thu hút các loài chim nước về sinh sống tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười ngày càng nhiều. Trong đó, nhiều nhất là họ hàng các loài cò. Gần đây, Khu Bảo tồn có thêm nhiều loài chim quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, dang sen - loài chim nước rất to đã về sống, làm tổ, đẻ con tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Được cùng cán bộ Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười đi xuồng len lỏi theo các con kênh rạch nội đồng dẫn vào khu trung tâm bảo vệ nghiêm ngặt mới thấy hết sự phong phú của quần thể động thực vật quý đang sinh sôi phát triển tại đây. Cò, diệc, dang sen làm tổ nhiều trên các cây tràm, cây gừa hoặc cà na, trâm, gáo cổ thụ.

Dưới nước từng đàn cá lớn, nhỏ ăn mống, đớp mồi vang động trong các khóm bèo, sen súng đang nở đầy hoa tím. Trong bụi rậm là nơi cư trú của các loài bò sát, lưỡng thê, trong đó có rắn hổ mang quý hiếm. Xa xa, dưới các tán cây cổ thụ, sẽ bắt gặp các tổ ong vò vẽ rất lớn...

Theo ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi bảo tồn nhiều sinh vật quý và đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười. Với lợi thế vốn có và độc đáo của mình, nơi đây còn có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái sẽ được địa phương quan tâm khai thác thời gian tới. Trong tương lai, nơi đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Tiền Giang cũng như trong thế liên kết phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN