Hậu Giang: Bảo vệ vườn cây ăn trái mùa mưa

16/08/2022 - 10:34

Theo dự báo năm nay đỉnh lũ sẽ cao hơn mọi năm, ảnh hưởng không nhỏ đến vườn cây ăn trái, nhà vườn trong tỉnh phải làm gì để bảo vệ an toàn cho vườn cây.

A A

Nhà vườn trồng cây ăn trái trong tỉnh chủ động bảo vệ vườn cây để cây trồng không bị ảnh hưởng vào mùa mưa bão. Ảnh: T. TRÚC

Người dân chủ động từ sớm

Canh tác hơn 5 công mít, mùa nước nổi năm rồi có hơn 1 công bị ảnh hưởng bởi triều cường nên những ngày qua thấy mưa lớn kéo dài, mực nước triều cường lên nhanh, ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, đã chủ động gia cố đê bao, bố trí máy để bơm thoát nước cho vườn cây ăn trái của gia đình mình. Song song đó, trên mỗi mô cây trồng ông còn cho xẻ những rãnh nhỏ thoát nước để hạn chế trường hợp ngập úng cục bộ dẫn đến cây bị thối rễ trong mùa mưa. Theo ông Tuấn, mùa mưa thời tiết mát mẻ, cây trồng phát triển tốt nhưng nếu không kiểm soát được lượng nước, cây bị ngập dễ dẫn đến việc rễ thiếu ôxy, lá sẽ vàng và rụng dẫn đến tình trạng chết dần.

Ông Tuấn cho biết: “Mấy năm nay, xã Long Thạnh quan tâm công tác quy hoạch đầu tư đê bao khép kín vùng sản xuất lớn, từng bước hoàn thiện hệ thống cống bọng kiên cố từ đó giúp nhà vườn an tâm hơn trong sản xuất. Mùa nước nổi về thì các cống lớn được đóng lại, nhà vườn chỉ cần gia cố đê bao cá thể giữ nước là có thể sản xuất trong mùa lũ. Nếu thấy nước lên cao quá thì chỉ cần bơm ra là được”.

Ông Nguyễn Văn Tám, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Mấy nhà vườn trồng cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, mít, măng cụt thời điểm này đã chuẩn bị đê bao để giữ nước. Nếu không kỹ thì nước ngập rễ, cây dễ bị mất sức, chậm phát triển. Nhiều nhà vườn cẩn thận trong mùa mưa này còn hạn chế việc di chuyển trong vườn, để không làm tổn hại đến bộ rễ của cây”.

Song song với giữ mực nước phù hợp, đầu mùa mưa các chủ vườn cây ăn trái còn tỉa cành, tạo tán để cây tiếp nhận ánh sáng đầy đủ. Khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát thuận lợi. Tránh để cây phát triển um tùm tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh sẽ dễ đổ ngã. Song song đó, hạn chế việc đi lại trong vườn vào mùa mưa lũ vì sẽ làm cho đất bị nén chặt lại dễ làm cho cây bị suy yếu, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công. Hạn chế làm cỏ hoặc có thể giữ cỏ trong vườn ở thời điểm này nhằm hạn chế đất bị xói mòn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Long Thạnh, cho biết thêm: “Đối với vườn cây ăn trái, mùa mưa thường sản xuất khó hơn mùa nắng, ngoài việc giữ nước thì nhà vườn còn phải lưu ý để việc sử dụng phân bón cân đối. Bởi, nếu sử dụng không hợp lý phân bón dễ bị rửa trôi, cây không hấp thu được, vừa lãng phí vừa dễ dẫn đến tình trạng rụng trái”.

Thực hiện nhiều biện pháp ứng phó

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, năm 2022 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn bão), trong đó khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng đến nước ta. Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa mưa (tháng 10, 11, 12) ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ. Đặc biệt chú ý tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những tháng giữa và cuối năm. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị người dân cần theo dõi sát dự báo thời tiết, kiểm tra đê bao, ô bao để gia cố sớm, chủ động máy bơm để tháo nước phòng trường hợp mưa lớn, tránh ngập úng cục bộ kéo dài.

Theo thống kê, toàn huyện Phụng Hiệp hiện có 11.480ha cây ăn trái, tăng gần 1.000ha so với cùng kỳ năm trước. Có 8.400ha đang cho trái, năng suất trung bình 17 tấn/ha, tổng sản lượng gần 144.000 tấn mỗi năm. Trong đó, cây có múi chiếm gần 5.300ha, xoài 801ha, nhãn 167ha, mít 945ha, mãng cầu 275ha, cây sầu riêng 507ha… Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nhờ thực hiện có hiệu quả của công tác quy hoạch vùng và đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín, đến nay có khoảng 70% diện tích cây ăn trái của huyện nằm trong vùng đê sản xuất lớn kết hợp với các đê bao hộ gia đình nên việc chống lũ cho vườn cây ăn trái của người dân trong huyện hiện nay khá dễ dàng. Tuy nhiên, để cây ăn trái được bảo vệ tốt trong mùa mưa bão, ngoài việc giữ nước, nhà vườn cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, chủ động bón phân cân đối, để cây phát triển.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua ngành nông nghiệp huyện đã cho rà soát, khoanh vùng lại những khu vực sản xuất thường xuyên bị ngập úng để tập trung đầu tư hệ thống đê bao lớn giúp người dân chủ động giữ được nước cho vườn cây. Song song đó, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho nhà vườn những kỹ thuật sản xuất trong mùa mưa để cây phát triển tốt, hạn chế chết cây trong mùa mưa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, trong năm 2022 này sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất phù hợp với đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; tăng cường xây dựng và đề xuất các giải pháp, các dự án huy động xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi để phát huy tối đa các dự án, công trình được bàn giao đưa vào sử dụng. Ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông nông thôn chất lượng đảm bảo cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản là tiền đề hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết sẽ phối hợp với UBND cấp huyện khẩn trương thực hiện tốt công tác quản lý đê điều, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, chỉ đạo gia cố, duy tu sửa chữa các tuyến đê bao ngăn lũ, triều cường cho lúa, mía, vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản, quản lý chặt chẽ hệ thống cống, bọng dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch, nhất là đối với vùng mía nguyên liệu, vùng nuôi thủy sản và vùng trồng cây ăn trái... Bố trí lịch thời vụ gieo trồng phù hợp đảm bảo thu hoạch trước lũ, khuyến cáo bà con nông dân nơi nào đê bao không đảm bảo chống lũ, triều cường thì không sản xuất lúa vụ Thu đông; chỉ đạo khai thông dòng chảy tất cả các tuyến kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và nội đồng để tiêu thoát lũ nhanh bảo vệ dân cư và sản xuất. Tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi và đánh giá công tác vận hành hệ thống các công trình thủy lợi; có kế hoạch xử lý, tu sửa nhũng hạng mục hư hỏng. Đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo hoàn thành công trình trước mùa lũ.

Mùa mưa được xem là điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, nhưng kèm theo điều kiện bất lợi như ngập úng, giông bão, sâu bệnh tấn công mạnh, gây thiệt hại về năng suất và làm giảm chất lượng trái. Do đó, những giải pháp được triển khai chủ động và đồng bộ sẽ giúp cho vườn cây phát triển tốt giảm thiểu được thiệt hại có thể xảy ra.

Tổng diện tích trồng cây ăn trái toàn tỉnh những tháng đầu năm nay đạt hơn 43.800ha, tăng hơn 2.100ha so với cùng kỳ, sản lượng đạt gần 500.000 tấn. Trong đó, cây có múi chiếm gần 13.000ha, xoài hơn 3.100ha, mít gần 8.900ha, khóm hơn 3.000ha, còn lại là các cây ăn trái khác. Hiện nay, nông dân có xu hướng chuyển sang các loại cây ăn trái như mít, sầu riêng…, ngành nông nghiệp đã tăng cường hỗ trợ nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa sâu bệnh, bảo vệ sản xuất trong mùa mưa lũ để cây trồng phát triển, giúp cây cho trái đạt sản lượng và chất lượng.

Theo Báo Hậu Giang