Hậu Giang: Cảnh giác với các hình thức lừa đảo mua hàng trả góp

16/02/2024 - 10:41

Thời gian qua, lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người dân, một số đối tượng đã sử dụng chiêu trò lừa đảo khi mua hàng điện máy trả góp, để chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi.

A A

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Phố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chỉ trong thời gian ngắn, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử 2 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức mua hàng điện máy trả góp. Đó là các vụ Đặng Thanh Sang, ngụ thành phố Vị Thanh và Nguyễn Ngọc Phố, ngụ thành phố Ngã Bảy. Cả hai cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với gần 40 bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cụ thể, cuối năm 2022, bà Nguyễn Thị Thu Thanh, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, được một người quen rủ đi mua hàng trả góp mà không cần trả tiền. Trong lúc khó khăn, bà Thanh đánh liều đi theo đối tượng Đặng Thanh Sang đến một cửa hàng điện máy ở thành phố Vị Thanh cung cấp căn cước công dân, rồi nhận tiền từ Sang mà không trả trước hay phải góp đồng nào.

Tương tự, trường hợp ông Dương Minh Thuận, ngụ xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, đi cùng đối tượng Nguyễn Ngọc Phố đến một cửa hàng điện máy tại thành phố Ngã Bảy để mua điện thoại trả góp, rồi nhận được 7 triệu đồng đúng như những gì Phố hứa hẹn trước đó.

Khai nhận trước tòa, ông Thuận cho biết: “Phố nói có công ty ở nước ngoài tài trợ cho vay, rồi không lấy tiền của bà con, nên tôi tin tưởng nghe theo mà không biết mình bị Phố lừa”.

Qua hai vụ việc lừa đảo bị phát hiện và triệt phá cho thấy, thủ đoạn chung của các đối tượng là tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo hoặc qua giới thiệu từ những người quen để tư vấn cách thức làm hồ sơ mua hàng trả góp với lời mời gọi hấp dẫn, như “có chương trình hỗ trợ làm hồ sơ mua sản phẩm mà không cần trả lại tiền gốc, tiền lãi”; “làm hồ sơ mua hàng không lấy sản phẩm, chỉ lấy tiền không cần trả lại hay có nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ hỗ trợ người nghèo...”.

Sau đó, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đến cửa hàng điện máy để mua hàng và hỗ trợ khoản tiền trả trước. Với mỗi hợp đồng trả góp thành công, các đối tượng sẽ đưa nạn nhân một số tiền nhỏ để thu mua sản phẩm; đồng thời, lấy sản phẩm bán ra ngoài để chiếm đoạt số tiền chênh lệch (khoảng từ 5-10 triệu đồng, tùy theo giá trị của sản phẩm).

Sau khi sập bẫy, các nạn nhân phải gánh chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền trong hợp đồng trả góp tại các công ty tài chính mà không hề hay biết.

Ông Nguyễn Thành Kiếm, ở phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án của Nguyễn Hoàng Phố, chia sẻ: “Sau khi nhận tiền của Phố, vài tháng sau, tôi liên tục bị công ty tài chính gọi điện nhắc nợ. Tôi phải vay gần 30 triệu đồng để thanh toán toàn bộ hợp đồng trả góp chiếc tivi mà tôi không có nhu cầu mua”.

Trên thực tế, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là không mới, nhưng với vỏ bọc và cách thức tinh vi, các đối tượng vẫn đưa nhiều nạn nhân nhẹ dạ vào bẫy. Việc nạn nhân mua các tài sản trả góp mà không hay biết có thể khiến họ dễ dàng mắc nợ và gặp rủi ro khác, như ghi nhận nợ xấu trên hệ thống tín dụng nếu không thanh toán đầy đủ và đúng hạn. Từ đó, ảnh hưởng đến việc sử dụng các sản phẩm tài chính và khả năng vay vốn trong tương lai.

 Ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, phân tích, qua các vụ án xảy ra cho thấy, nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý hám lợi khi có người tặng quà, “mua hàng, không phải trả tiền” của nhiều người để đưa họ vào kịch bản đã bày sẵn nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy, để tránh các trường hợp xấu trên, ông Lâm cho rằng người dân cần tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt thông tin và hình ảnh trên căn cước công dân; cảnh giác với các chiêu trò của các đối tượng xấu, như quảng bá vay tiền, mua hàng trả góp. Đồng thời, tìm hiểu kỹ về hợp đồng trả góp, nhất là trách nhiệm thanh toán đối với hợp đồng do mình đứng tên để phòng tránh các đối tượng lừa đảo.

Theo B.B (Báo Hậu Giang)