Hậu Giang: Chủ động đề phòng mưa, lũ

07/10/2024 - 10:03

Theo dự báo của ngành chuyên môn, khu vực tỉnh Hậu Giang đỉnh lũ xuất hiện vào cuối tháng 10 đến giữa tháng 11, tuy nhiên do ảnh hưởng triều cường kết hợp với mưa lớn tại chỗ sẽ xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ. Vì vậy, các ngành, địa phương, người dân đang tăng cường ứng phó.

Người dân gia cố bờ bao đề phòng ngập lụt gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt.

Triều cường, mưa lớn kéo dài

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, bão - áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) từ nay đến ngày 10-10 trên Biển Đông chưa có dấu hiệu xuất hiện; từ ngày 11 đến 31-10 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 1-2 cơn bão - ATNĐ, ảnh hưởng tới khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Hoàn lưu của bão - ATNĐ gây giông, lốc và mưa lớn. Do nhiễu động trên cao và hoàn lưu bão - ATNĐ trong tháng 10 đến đầu tháng 11 trong tỉnh xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn diện rộng.

Theo dự báo thì tháng 10-2024, tổng lượng mưa xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Mưa nhiều với một vài đợt mưa lớn diện rộng kéo tổng lượng mưa trung bình toàn tỉnh trong tháng 10 dao động từ 320-400mm, ở mức cao hơn TBNN từ 20-100mm. Tháng 11, tổng lượng mưa xấp xỉ đến TBNN; mùa mưa năm nay kết thúc muộn, sau khi kết thúc mùa mưa, khả năng xuất hiện mưa trái mùa với lượng mưa phổ biến mưa nhỏ đến mưa vừa. Dự báo thời kỳ kết thúc mùa mưa năm nay kết thúc muộn hơn TBNN từ 5-10 ngày và phổ biến trong khoảng 25-11 đến 5-12-2024.

Do ảnh hưởng triều cường kết hợp với mực nước lũ trên sông Hậu và kết hợp với mưa lớn tại chỗ, tháng 10-2024 trong tỉnh xuất hiện 2 đợt mực nước cao gây ngập lụt trên diện rộng, cụ thể đợt 1 triều cường (đầu tháng 9 âm lịch) và kết hợp với mực nước triều Biển Đông (sông Hậu) lên nhanh theo triều và ở mức trên báo động 3 từ 0,08-0,15m. Khu vực ảnh hưởng triều Biển Tây ít biến đổi và ở mức trên báo động 2 từ 0,02-0,08m. Dự báo khu vực ảnh hưởng triều Biển Đông (sông Hậu), triều cường đầu tháng 9 âm lịch kết hợp với mực nước cao trên sông Hậu, trong tỉnh đạt đỉnh triều cường đợt 1 trong tháng 10-2024 từ ngày 4 đến 6-10-2024 và xuống chậm trong 3 ngày tiếp theo.

Mực nước cao nhất tại trạm thủy văn Phụng Hiệp từ 1,60-1,68m, trên báo động 3 từ 0,20-0,28m, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,15-0,30m, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 0,02-0,08m. Mực nước trên gây ngập, lụt cục bộ tại huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp với thời gian kéo dài từ 2 đến 4 ngày. Khu vực ảnh hưởng triều Biển Tây trên sông Xà No và mực nước nội đồng lên nhanh và ở mức cao từ ngày 4 đến 7-10-2024, sau đó ít biến đổi trong 3 ngày tiếp theo. Mực nước cao nhất tại trạm thủy văn Vị Thanh từ 0,83-0,88m trên báo động 3 từ 0,08-0,13m, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,05-0,12m, ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Mực nước trên gây ngập lụt cục bộ tại huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp với thời gian ngập lụt kéo dài từ 3-5 ngày.

Tăng cường ứng phó

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do triều cường kết hợp với lũ trên sông Hậu gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết sẽ thường xuyên phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt Kế hoạch phòng, chống thiên tai sát hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Tăng cường theo dõi thông tin dự báo, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp, phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang theo dõi, dự báo, cảnh báo tình hình thời tiết, triều cường từ Biển Đông và Biển Tây vào địa bàn tỉnh Hậu Giang để có kế hoạch dự báo, cảnh báo sớm được khả năng xuất hiện và diễn biến của triều cường để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

Người dân trồng màu chuẩn bị sẵn sàng máy bơm nước ra ngoài khi có mưa lớn.

Bên cạnh đó, cập nhật kịp thời, chính xác, đầy đủ các số liệu thời tiết để tổng hợp, báo cáo cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp phòng chống hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân. Phối hợp với báo, đài tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, triều cường tới người dân nhằm nâng cao ý thức trong việc ứng phó có hiệu quả giảm bớt thiệt hại. Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã yêu cầu Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác vận hành các công trình thủy lợi, đảm bảo ngăn lũ triệt để giảm bớt thiệt hại. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra tình trạng các đê bao, bờ bao; xác định vị trí xung yếu và đề xuất biện pháp khắc phục.

Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết, đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn, tổ chức kiểm tra rà soát phương án ứng phó phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương. Vận động người dân chằng chống nhà cửa, kiểm tra các cây cao gần nhà dễ đổ ngã… đảm bảo an toàn, ổn định trong suốt mùa mưa.

Khuyến cáo bà con trong cơn mưa thường xuất hiện các trạng thái thời tiết bất thường như giông lốc, sét đánh... thì tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa vật mang kim loại, không trú ẩn ở những nơi có tán cây lớn. Triển khai lực lượng xung kích tổ chức rà soát, xác định các vị trí xung yếu trên các tuyến đê bao, bờ bao; tuần tra, canh gác, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng xử lý giờ đầu khi có tình huống xấu. Chủ động phương án phòng, chống ngập úng, vận hành hệ thống cống, trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là khu dân cư tập trung, vùng sản xuất cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản; vận động người dân thu hoạch các diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch.

Song song đó, vận dụng các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong khu vực bị ngập lụt như trông giữ trẻ tập trung, đưa rước trẻ tới trường để phòng tránh đuối nước. Tăng cường thông tin, truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó như ngăn nước vào nhà, kê cao đồ đạc, ngắt các thiết bị điện khi nhà bị ngập. Tổ chức cắm biển cảnh báo, canh gác, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các khu vực ngập lụt, nước chảy xiết, sạt lở, nhất là tại các khu vực đông dân cư, ven sông, kênh, rạch. Duy trì các chốt cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, trường hợp nếu có bị thiệt hại, khẩn trương rà soát, thống kê bị thiệt hại của người dân gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo lãnh đạo tỉnh để có hướng chỉ đạo kịp thời, hạn chế thấp nhất cho người dân.

Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang cho rằng, do mực nước cao trên sông Hậu kết hợp với triều cường đầu tháng 9 âm lịch nên mực nước trên các sông, kênh, rạch và nội đồng ở mức cao, trên báo động 3 từ 0,10-0,25m, gây ngập lụt cục bộ vùng trũng, thấp, vùng thoát nước kém, vùng ngoài đê bao,

với thời gian kéo dài từ 3-5 ngày, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất và giao thông. Vì vậy, khuyến cáo ở vùng ngoài đê bao, người dân cần che, vây bờ ao cá, đắp bờ bao vườn cây ăn trái, chuẩn bị máy bơm để bơm nước ra khi ngập lụt sâu, kéo dài. Đối với các sà lan, đò ngang, đò dọc, thuyền, ghe hoạt động trên sông chạy chậm để hạn chế sóng mặt tràn bờ và hạn chế nguy cơ sạt lở bờ…

Theo HOÀI THU (Báo Hậu Giang)