Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Phụng Hiệp, dùng dụng cụ đo nồng độ mặn trước khi lấy nước vào mương vườn.
Nguy cơ thiếu nước sản xuất
Theo dự báo từ ngành chức năng tỉnh, trong mùa khô 2021-2022, toàn tỉnh có khoảng 90.000-100.000ha lúa Đông xuân 2021-2022, lúa Hè thu 2022 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và thành phố Ngã Bảy có nguy cơ hạn. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 50.000-60.000ha lúa và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh có nguy cơ bị xâm nhập mặn, người dân có khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhận định: Bước vào mùa khô, dự báo năm nay nước ở thượng nguồn thấp hơn cùng kỳ, xâm nhập mặn sẽ cao. Tuy nhiên, thực tế mặn xâm nhập với nồng độ thấp hơn so với cùng kỳ cả triều Biển Đông và triều Biển Tây. Đến giờ này nhiều diện tích lúa Đông xuân đã vào vụ thu hoạch, còn lại đang trổ và chín, cộng với những cơn mưa diện rộng nên chưa ảnh hưởng xâm nhập mặn. Việc vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé, hướng từ Kiên Giang về Vị Thanh mặn không cao. Mặn vào theo hướng từ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu và kênh Chắc Băng, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh tìm con đường nào mặn cao nhất, kết quả từ Chắc Băng mặn lên cao, đây là đường chính mặn xâm nhập vào Hậu Giang.
“Đầu năm tới giờ, triều cường không được cao chứng tỏ gió Đông Bắc chưa mạnh, nhưng không chủ quan những tháng còn lại. Nếu gió Đông Bắc mạnh kết hợp với triều cường và nước thượng nguồn thấp thì mặn sẽ xâm nhập sâu. Vấn đề thứ hai, địa bàn huyện Long Mỹ theo hướng huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang lên, năm nay mặn xâm nhập vào theo triều cường nhưng rút chậm”, ông Đặng Ngọc Giao thông tin thêm.
Việc đo mặn ở xã Hỏa Tiến được ngành chức năng thực hiện thường xuyên để đóng, mở cống phù hợp bảo vệ cây trồng.
Chủ động ứng phó
10 công nhãn trồng 250 gốc, 3 năm tuổi trồng xen khóm của ông Phạm Văn Nho, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, vừa thu hoạch trái xong, hiện đang ra cơi đọt. Để chủ động nguồn nước tưới, ông Nho đã móc đất dưới mương đắp lên bệ để chứa nước trong mương. Mỗi tuần, ông đều bơm nước ngọt từ kênh xáng Hậu vào, tuy nhiên cũng không đủ do nước thượng nguồn đổ về thấp nên việc lấy nước phục vụ tưới gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nho, cách một ngày ông tưới 1 lần, mỗi cây khoảng 40 lít nước.
Ông Nho chia sẻ: “Việc đưa vào vận hành cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé mới đây tại Kiên Giang giúp người dân hưởng lợi rất lớn, hạn chế được mặn xâm nhập sâu vào nội đồng như mọi năm. Bởi ngăn được nước mặn từ biển Rạch Giá đưa vào trên này đỡ nhiễm mặn đi sâu vào nội đồng, rồi mình lấy nước từ thượng nguồn đổ xuống tưới cho cây trồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt của tôi để tiết kiệm nước, cung cấp đủ cho cây duy trì tới mùa mưa”.
Ngoài chủ động trữ nước, kết hợp tưới nước tiết kiệm, thời gian qua tỉnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào các cống, trạm bơm. Người dân điều khiển đóng mở và bơm nước qua điện thoại di động như trạm bơm điện Tư Nghĩ, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Trong một phút hệ thống vận hành xong và có thể xem các chỉ số mực nước trên điện thoại thông minh. Trạm bơm bảo vệ gần 80ha lúa. Từ khi ứng dụng công nghệ 4.0 người dân chủ động được nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí bơm, tưới và quan trọng hơn hết là sản xuất đồng loạt theo hình thức cánh đồng lớn. Ông Lê Văn Lợi, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, phấn khởi cho biết: “Chỗ nào có mạng là mình điều khiển đóng mở được. Khi mực nước cao hay thấp nhìn vào điện thoại là mình biết, từ đó có thể điều khiển theo ý”.
Còn ở huyện Phụng Hiệp, nông dân cũng chủ động và linh hoạt trong cách ứng phó để bảo vệ và chăm sóc cho cây trồng. Để bảo vệ cho 5 công chanh không hạt 2 năm rưỡi tuổi đang cho trái chiếng, những ngày qua ông Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Phụng Hiệp, thường xuyên dùng dụng cụ đo nồng độ mặn trước khi lấy nước vào mương vườn dự trữ hoặc mỗi lần tưới cho cây trồng. Dù nồng độ mặn còn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng ông Hoàng vẫn duy trì việc làm này thường xuyên, đồng thời bỏ bọng trong, bọng ngoài để giữ nước.
“Mỗi lần tưới nước cho cây trồng mình phải đo trước nồng độ mới an toàn. Để không khéo mặn xâm nhập mình không hay tưới lên cây trồng sẽ bị hư. Có dụng cụ đo độ mặn trước khi tưới tôi cũng an tâm”, ông Nguyễn Văn Hoàng bộc bạch.
Để chủ động ứng phó hạn và mặn, huyện Phụng Hiệp đầu tư 20 tỉ đồng xây dựng 2 đập gắn với trạm bơm, 6 cống tròn, duy tu, sửa chữa hơn 30 cống đập dọc trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp. Tổ chức nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn và các tuyến thủy lợi nội đồng, đắp khoảng 30 đập thời vụ.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Đầu năm đến giờ, chúng tôi chủ động rất cao, triển khai cho các địa phương nằm trên các tuyến nguy cơ chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mặn xâm nhập. Hỗ trợ bà con nông dân duy tu, sửa chữa bờ bao, cống đập. Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi cũng cử cán bộ xuống địa bàn tuyên truyền vận động bà con áp dụng các giải pháp phi công trình như: sử dụng các giống lúa thích ứng với hạn, mặn, xuống giống đúng lịch thời vụ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Theo dõi sát tình hình mặn xâm nhập tại tỉnh để có những ứng phó và chỉ đạo kịp thời, ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhấn mạnh: “Ngành vẫn chỉ đạo quan trắc thường xuyên mỗi ngày 2 lần và liên tục để có cảnh báo. Ngoài ra, năm nay, việc duy tu, sửa chữa, vận hành thuận lợi hơn do giao quản lý khai thác công trình thủy lợi từ Chi cục Thủy lợi tỉnh về Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, nhưng không chủ quan lơ là, cơ bản là phát hiện kịp thời để có thông báo cho người dân ứng phó”.
Hậu Giang có 3 hệ thống thủy lợi lớn là đê bao Ô Môn - Xà No, hệ thống cống Nam Xà No, đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh và khoảng 500 cống cấp 2, cấp 3 khép kín hơn 66.000ha đất sản xuất với 915 vùng thủy lợi, tạo “lá chắn” kiên cố bảo vệ sản xuất.
Theo Báo Hậu Giang